Điều trị nhiễm trùng nhẹ, trung bình & nặng ở người lớn > 18 tuổi như: Viêm xoang cấp, đợt cấp viêm phế quản mãn, viêm phổi, viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, nhiễm trùng da & cấu trúc da, nhiễm trùng đường tiết niệu có & không có biến chứng, viêm thận - bể thận cấp tính.
Cách dùng Levofloxacin
Liều dùng cho người lớn: - Viêm xoang cấp 500 mg/ngày x 10 - 14 ngày. - Ðợt kịch phát viêm phế quản mạn 250 - 500 mg/ngày x 7 - 10 ngày. - Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng 500 mg, ngày 1 - 2 lần x 7 - 14 ngày. - Nhiễm khuẩn đường tiểu có biến chứng kể cả viêm thận - bể thận: 250 mg/ngày x 7 - 10 ngày. - Nhiễm khuẩn da & mô mềm 500 mg, ngày 1 - 2 lần x 7 - 14 ngày. Suy thận (ClCr > 50mL/phút): giảm liều.
Thận trọng khi dùng Levofloxacin
- Trên bệnh nhân có bẩm chất co giật, ví dụ trong trường hợp dùng chung nhiều thuốc (xem Tương tác thuốc), và cũng như các quinolone khác, phải hết sức thận trọng khi dùng levofloxacin. - Tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy nặng, dai dẳng và/hoặc có máu, trong và sau khi điều trị levofloxacin, có thể là triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile. Nếu nghi viêm đại tràng giả mạc, phải lập tức ngưng dùng levofloxacin. - Viêm gân, hạn hữu được nhận thấy với quinolone, đôi khi có thể dẫn đến đứt gân, đặc biệt là gân gót (gân Achilles). Tác dụng không mong muốn này xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị và có thể xảy ra cả hai bên. Bệnh nhân lớn tuổi dễ bị viêm gân hơn. Nguy cơ đứt gân có thể gia tăng khi dùng chung với corticosteroid. Nếu nghi viêm gân, phải lập tức ngưng điều trị levofloxacin và phải để cho gân đang tổn thương được nghỉ ngơi. - Trên bệnh nhân suy thận, phải điều chỉnh liều levofloxacin vì levofloxacin được bài tiết chủ yếu qua thận. - Tuy nhạy cảm với ánh sáng rất hiếm gặp với levofloxacin, nhưng bệnh nhân không nên phơi nhiễm một cách không cần thiết với ánh nắng chói hoặc tia cực tím nhân tạo. - Cũng như các kháng sinh khác, sử dụng levofloxacin, nhất là dùng kéo dài, có thể làm cho các vi sinh vật kháng thuốc phát triển. Cần thiết phải đánh giá tình trạng bệnh nhân lặp lại nhiều lần. Nếu xảy ra bội nhiễm trong khi điều trị, nên áp dụng các biện pháp thích hợp. - Bệnh nhân bị thiếu hoạt tính enzym glucose-6-phosphat dehydrogenase tiềm ẩn hoặc thật sự dễ gặp phản ứng tan huyết khi điều trị với các thuốc kháng khuẩn quinolone. Cần xét đến khả năng này khi dùng levofloxacin. Lái xe và vận hành máy: Levofloxacin có thể gây những tác dụng không mong muốn như ù tai, chóng mặt, buồn ngủ và rối loạn thị giác, có thể trở thành một nguy cơ trong những trường hợp như lái xe hoặc vận hành máy.
Chống chỉ định với Levofloxacin
Quá mẫn với thành phần thuốc, nhóm quinolon.
Tương tác thuốc của Levofloxacin
Thuốc viên: Không có sự tương tác có ý nghĩa với thức ăn. Hai giờ trước hoặc sau khi uống levofloxacin, không nên uống những chế phẩm có chứa các cation hóa trị hai hoặc hóa trị ba như các muối sắt hoặc thuốc kháng-acid chứa magnesi hay nhôm, vì có thể làm giảm hấp thu. Sinh khả dụng của levofloxacin giảm có ý nghĩa khi thuốc được dùng chung với sucralfate, vì thế chỉ nên uống sucralfate 2 giờ sau khi uống levofloxacin. Thuốc và dung dịch tiêm truyền: Trong một nghiên cứu lâm sàng, không thấy các tương tác dược động học của levofloxacin với theophyllin. Tuy vậy, ngưỡng co giật ở não có thể giảm đáng kể khi dùng chung quinolone với theophyllin, fenbufen hoặc các thuốc kháng viêm không-steroid tương tự hoặc các thuốc khác có tác dụng hạ thấp ngưỡng co giật. Nên thận trọng khi dùng chung levofloxacin với những thuốc ảnh hưởng sự bài tiết ở ống thận như probenecid và cimetidine, đặc biệt là trên bệnh nhân suy thận.Tăng thời gian đông máu (PT/INR) và/hoặc chảy máu, có thể trầm trọng, đã được báo cáo trên bệnh nhân được điều trị levofloxacin phối hợp với thuốc đối kháng vitamin K (ví dụ warfarin). Do đó, cần theo dõi các xét nghiệm đông máu trên bệnh nhân được điều trị thuốc đối kháng vitamin K.
Tác dụng phụ của Levofloxacin
- Có thể có: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, thay đổi vị giác, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, chóng mặt. - Hiếm: nhạy cảm ánh nắng, đau sưng khớp/cơ/gân, đau bụng, thay đổi thị giác, phản ứng dị ứng. - Rất hiếm: động kinh, rối loạn tinh thần, đau ngực, rối loạn nhịp tim, bồn chồn, lo âu, thay đổi lượng nước tiểu, vàng mắt/da, Bội nhiễm khi dùng kéo dài.
Quá liều khi dùng Levofloxacin
Theo các nghiên cứu về độc tính trên động vật, các dấu hiệu quan trọng nhất có thể thấy sau khi quá liều levofloxacin cấp tính là các triệu chứng của hệ thần kinh trung ương như lú lẫn, ù tai, rối loạn tri giác và co giật kiểu động kinh. Nếu xảy ra quá liều có ý nghĩa, nên điều trị triệu chứng. Thẩm phân máu, bao gồm thẩm phân màng bụng và CAPD (thẩm phân màng bụng liên tục lưu động), không có hiệu quả thải trừ levofloxacin khỏi cơ thể. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.Nếu uống quá liều, có thể xảy ra các phản ứng tiêu hóa như buồn nôn và ăn mòn niêm mạc. Nên rửa ruột và dùng thuốc kháng-acid để bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Đề phòng khi dùng Levofloxacin
Trẻ em, phụ nữ có thai & cho con bú tránh dùng.
Bảo quản Levofloxacin
- Viên bao phim: Không cần điều kiện bảo quản đặc biệt. Bảo quản dưới 30 độ C. - Dung dịch tiêm truyền: Ðể thuốc trong hộp, tránh ánh sáng. Bảo quản dưới 30 độ C. Sau khi lấy ra khỏi hộp, để trong điều kiện ánh sáng trong nhà tối đa là 3 ngày.
Dùng Levofloxacin theo chỉ định của Bác sĩ
Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần sodium chloride
Nhóm thuốc
Dung dịch điều chỉnh nước điện giải và cân bằng Acid-Base
Thành phần
sodium chloride
Tác dụng của Sodium Chloride
Khi tiêm tĩnh mạch, dung dịch natri clorid là nguồn cung cấp bổ sung nước và chất điện giải. Dung dịch natri clorid 0,9% (đẳng trương) có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể. Natri là cation chính của dịch ngoại bào và có chức năng chủ yếu trong điều hòa sự phân bố nước, cân bằng nước, điện giải và áp suất thẩm thấu của dịch cơ thể. Natri kết hợp với clorid và bicarbonat trong điều hòa cân bằng kiềm – toan, được thể hiện bằng sự thay đổi nồng độ clorid trong huyết thanh. Clorid là anion chính của dịch ngoại bào. Dung dịch tiêm natri clorid có khả năng gây bài niệu phụ thuộc vào thể tích tiêm truyền và điều kiện lâm sàng của người bệnh. Dung dịch 0,9% natri clorid không gây tan hồng cầu.
Chỉ định khi dùng Sodium Chloride
Bổ sung natri clorid và nước trong trường hợp mất nước: Ỉa chảy, sốt cao, sau phẫu thuật, mất máu. Phòng và điều trị thiếu hụt natri và clorid do bài niệu quá mức hoặc hạn chế quá mức, phòng co cơ (chuột rút) và mệt lả do ra mồ hôi quá nhiều vì nhiệt độ cao. Dung dịch tiêm natri clorid nhược trương (0,45%) được dùng chủ yếu làm dung dịch bồi phụ nước và có thể được sử dụng để đánh giá chức năng thận, để điều trị đái tháo đường tăng áp lực thẩm thấu. Dung dịch natri clorid đẳng trương (0,9%) được dùng rộng rãi để thay thế dịch ngoại bào và trong xử lý nhiễm kiềm chuyển hóa có mất dịch và giảm natri nhẹ và là dịch dùng trong thẩm tách máu, dùng khi bắt đầu và kết thúc truyền máu. Dung dịch ưu trương (3%, 5%) dùng cho trường hợp thiếu hụt natri clorid nghiêm trọng cần phục hồi điện giải nhanh (thiếu hụt natri clorid nghiêm trọng có thể xảy ra khi có suy tim hoặc giảm chức năng thận, hoặc trong khi phẫu thuật, hoặc sau khi phẫu thuật). Còn được dùng khi giảm natri và clor huyết do dùng dịch không có natri trong nước và điện giải trị liệu và khi xử lý trường hợp dịch ngoại bào pha loãng quá mức sau khi dùng quá nhiều nước (thụt hoặc truyền dịch tưới rửa nhiều lần vào trong các xoang tĩnh mạch mở khi cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo). Dung dịch tiêm natri clorid 20% được truyền nhỏ giọt qua thành bụng vào trong buồng ối để gây sẩy thai muộn trong 3 tháng giữa của thai kỳ (thai ngoài 16 tuần). Sau khi truyền nhỏ giọt qua thành bụng vào trong buồng ối, dung dịch này với liều được khuyên dùng, sẩy thai thường xảy ra trong vòng 72 giờ ở khoảng 97% người bệnh. Thuốc tiêm natri clorid 0,9% cũng được dùng làm dung môi pha tiêm truyền một số thuốc tương hợp.
Cách dùng Sodium Chloride
Natri clorid có thể uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Khi có chỉ định dùng dung dịch natri clorid 3% hoặc 5%, các dung dịch này phải được tiêm vào một tĩnh mạch lớn, không được để thuốc thoát mạch. Natri clorid còn được dùng bằng đường khí dung qua miệng. Liều dùng natri clorid tùy thuộc vào tuổi, cân nặng, tình trạng mất nước, cân bằng kiềm toan và điện giải của người bệnh. Nhu cầu natri và clorid ở người lớn thường có thể được bù đủ bằng tiêm truyền tĩnh mạch 1 lít dung dịch tiêm natri clorid 0,9% hàng ngày hoặc 1 – 2 lít dung dịch tiêm natri clorid 0,45%. Liều thông thường ban đầu tiêm tĩnh mạch dung dịch natri clorid 3% hoặc 5% là 100ml tiêm trong 1 giờ, trước khi tiêm thêm, cần phải định lượng nồng độ điện giải trong huyết thanh bao gồm cả clorid và bicarbonat. Tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch 3 hoặc 5% natri clorid không vượt quá 100ml/giờ. Liều uống thay thế thông thường natri clorid là 1 – 2g, ba lần mỗi ngày.
Thận trọng khi dùng Sodium Chloride
Hết sức thận trọng với người bệnh suy tim sung huyết hoặc các tình trạng giữ natri hoặc phù khác. Người bệnh suy thận nặng, xơ gan, đang dùng các thuốc corticosteroid hoặc corticotropin. Đặc biệt thận trọng với người bệnh cao tuổi và sau phẫu thuật. Không được dùng các dung dịch natri clorid có chất bảo quản alcol benzylic để pha thuốc cho trẻ sơ sinh vì đã có nhiều trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh dưới 2,5kg thể trọng khi dùng các dung dịch natri clorid có chứa 0,9% alcol benzylic để pha thuốc. Truyền nhỏ giọt dung dịch natri clorid 20% vào buồng ối chỉ được tiến hành do các thầy thuốc được đào tạo về chọc màng ối qua bụng, làm tại các bệnh viện có đủ phương tiện ngoại khoa và chăm sóc tăng cường. Thời kỳ mang thai: Thuốc an toàn cho người mang thai. Thời kỳ cho con bú: Thuốc không ảnh hưởng đến việc cho con bú.
Chống chỉ định với Sodium Chloride
Người bệnh trong tình trạng dùng natri và clorid sẽ có hại: Người bệnh bị tăng natri huyết, bị ứ dịch. Dung dịch natri clorid 20%: chống chỉ định khi đau đẻ, tử cung tăng trương lực, rối loạn đông máu. Dung dịch ưu trương (3%, 5%): Chống chỉ định khi nồng độ điện giải huyết thanh tăng, bình thường hoặc chỉ giảm nhẹ.
Tương tác thuốc của Sodium Chloride
Thừa natri làm tăng bài tiết lithi; thiếu natri có thể thúc đẩy lithi bị giữ lại và tăng nguy cơ gây độc; người bệnh dùng lithi không được ăn nhạt. Nước muối ưu trương dùng đồng thời với oxytocin có thể gây tăng trương lực tử cung, có thể gây vỡ tử cung hoặc rách cổ tử cung. Cần theo dõi khi dùng đồng thời.
Tác dụng phụ của Sodium Chloride
Hầu hết các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm do dung dịch nhiễm khuẩn hoặc do kỹ thuật tiêm. Khi dùng các chế phẩm không tinh khiết có thể gây sốt, nhiễm khuẩn ở chỗ tiêm và thoát mạch. Tăng thể tích máu hoặc triệu chứng do quá thừa hoặc thiếu hụt một hoặc nhiều ion trong dung dịch cũng có thể xảy ra. Dùng quá nhiều natri clorid có thể làm tăng natri huyết và lượng clorid nhiều có thể gây mất bicarbonat kèm theo tác dụng toan hóa.
Quá liều khi dùng Sodium Chloride
Triệu chứng: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, co cứng bụng, khát, giảm nước mắt và nước bọt, hạ kali huyết, tăng natri huyết, vã mồ hôi, sốt cao, tim nhanh, tăng huyết áp, suy thận, phù ngoại biên và phù phổi, ngừng thở, nhức đầu, hoa mắt, co giật, hôn mê và tử vong. Điều trị: Trong trường hợp mới ăn natri clorid, gây nôn hoặc rửa dạ dày kèm theo điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Khi có tăng natri huyết, nồng độ natri phải được điều chỉnh từ từ với tốc độ không vượt quá 10 – 12 mmol/lít hàng ngày. Tiêm truyền tĩnh mạch các dung dịch natri clorid nhược trương và đẳng trương (nhược trương đối với người bệnh ưu trương); khi thận bị thương tổn nặng, cần thiết, có thể thẩm phân.
Bảo quản Sodium Chloride
Bảo quản các thuốc tiêm ở nhiệt độ phòng, tránh nóng và đông lạnh; chỉ dùng dung dịch không có chí nhiệt tố.