Asparaginase

Nhóm thuốc
Thuốc tim mạch
Tác dụng của Asparaginase

Asparaginase có thể được sử dụng kết hợp (hoặc không cần kết hợp) với các loại thuốc chống ung thư (hóa trị) khác để điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính (ALL). Thuốc hoạt động bằng cách khiến các tế bào khối u không thể hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết, từ đó làm chậm sự tăng trưởng tế bào khối u.

Asparaginase được tiêm vào bắp thịt, hoặc dưới da, hoặc vào tĩnh mạch, bởi một chuyên gia y tế, thường bạn sẽ được tiêm tại bệnh viện. Liều lượng được dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và khả năng đáp ứng điều trị.

Bác sĩ sẽ cho bạn uống thuốc trước khi tiêm để giúp phòng ngừa các phản ứng dị ứng.

Uống nhiều nước trong khi sử dụng asparaginase (trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác).

Bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Cách dùng Asparaginase

Liều khuyến cáo của asparaginase là 6.000 đơn vị quốc tế / m2 tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch ba lần một tuần.

Liều dùng cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và quyết định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ.

Asparginase có những dạng và hàm lượng sau:

Asparaginase có dạng bột đông khô sử dụng một lần, 10 000 đơn vị quốc tế.

Thận trọng khi dùng Asparaginase

Trước khi dùng asparaginase:

  • Báo với bác sĩ và dược sĩ nếu bạn bị dị ứng với asparaginase, pegaspargase (Oncaspar), hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Báo với bác sĩ và dược sĩ biết những thuốc kê toa và không kê toa, vitamin, các thực phẩm chức năng, và các sản phẩm thảo dược bạn đang dùng hoặc dự định dùng.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn có hoặc từng có viêm tụy (sưng tuyến tụy), huyết khối, hoặc chảy máu nghiêm trọng, đặc biệt nếu những tình trạng này đã xảy ra trong quá trình điều trị trước đó với asparaginase. Bác sĩ của bạn có thể sẽ không chỉ định cho bạn dùng asparaginase.
  • Báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai, dự định có thai, hoặc đang cho con bú. Nếu bạn có thai trong khi dùng asparaginase, gọi cho bác sĩ ngay.

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai kỳ.

Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:

  • A= Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.
Tương tác thuốc của Asparaginase

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ. Asparaginase có thể tương tác với:

  • Vắc xin Rotavirus, virus sống;
  • Vắc xin Adenovirus Loại 4, virus sống;
  • Vắc xin Adenovirus Loại 7, virus sống;
  • Vắc xin Bacillus Calmette và Guerin, virus sống;
  • Vắc xin Virus cúm, virus sống;
  • Vắc xin Virus sởi, virus sống;
  • Methotrexate;
  • Vắc xin virus Quai bị, virus sống;
  • Prednisolone;
  • Prednisone;
  • Vắc xin virus Rubella, virus sống;
  • Vắc xin bệnh đậu mùa;
  • Vắc-xin thương hàn;
  • Vắc xin thủy đậu;
  • Vincristine;
  • Vincristin sulfat liposome;
  • Sốt vàng da.

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có những vấn đề sức khỏe, đặc biệt là:

  • Vấn đề về chảy máu;
  • Vấn đề về đông máu;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Tăng đường huyết;
  • Bệnh gan;
  • Viêm tụy – Nên sử dụng một cách thận trọng. Thuốc có thể khiến bệnh nặng hơn.
  • Có vấn đề hoặc tiền sử vấn đề về máu do asparaginase;
  • Có vấn đề hoặc tiền sử vấn đề về máu đông máu do asparaginase;
  • Viêm tụy hoặc tiền sử viêm tụy do asparaginase. Nếu bạn mắc phải tình trạng này, bạn không nên dùng asparaginase.
Tác dụng phụ của Asparaginase

Gọi cấp cứu ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu của phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.

Ngay cả khi không dị ứng với asparaginase trong quá khứ, bạn vẫn có thể bị dị ứng khi bạn sử dụng thuốc lần nữa.

Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng, bao gồm:
đau dữ dội ở bụng trên, cơn đau lan sang lưng, buồn nôn và nôn, nhịp tim nhanh;

  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, yếu ớt bất thường;
  • Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, có các các triệu chứng cúm;
  • Đau đầu đột ngột, rối loạn, vấn đề với thị giác, lời nói, hoặc khả năng giữ thăng bằng;
  • Cảm thấy rất khát nước hoặc đi tiểu nhiều;
  • Kích động, ảo giác, co giật;
  • Run, cứng cơ;
  • Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, hoặc không đi tiểu được.

Tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:

  • Phát ban da nhẹ hoặc ngứa;
  • Trầm cảm, buồn ngủ;
  • Sưng tay, mắt cá chân hoặc bàn chân;
  • Buồn nôn, nôn, chán ăn, giảm cân;
  • Đau bụng;
  • Đau đầu, cảm thấy mệt mỏi và dễ cáu kỉnh.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.