Avandamet

Nhóm thuốc
Hocmon, Nội tiết tố
Thành phần
Metformin, Rosiglitazone
Dạng bào chế
Viên nén bao phim
Dạng đóng gói
Hộp 1 vỉ x 14 viên;Hộp 2 vỉ x 14 viên
Hàm lượng
4mg/500mg
Sản xuất
S.B Pharmco Puerto Rico - MỸ
Đăng ký
Glaxo SmithKline Pte., Ltd
Số đăng ký
VN-7899-03
Chỉ định khi dùng Avandamet
Thuốc hỗ trợ cho chế độ ăn và tập thể dục để cải thiện đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 mà đã điều trị kết hợp rosiglitazone với metformin hay bệnh nhân dùng đơn trị liệu metformin không hiệu quả.
Cách dùng Avandamet
Nên được cụ thể cho từng bệnh nhân, liều tối đa hàng ngày: 8 mg/2000 mg. Bệnh nhân đơn trị liệu metformin không hiệu quả: Liều khởi đầu là 4 mg rosiglitazone + liều metformin đang dùng. Bệnh nhân đơn trị liệu rosiglitazone không hiệu quả: liều khởi đầu là 1000 mg metformin + liều rosiglitazone đang dùng. Nên chia thành nhiều lần, uống vào các bữa ăn và tăng dần liều để đạt kiểm soát tốt đường huyết. Liều mỗi ngày có thể tăng thêm 4 mg rosiglitazone hoặc 500 mg metformin cho đến liều tối đa. Việc tăng liều chỉ thực hiện sau mỗi 1 – 2 tuần (đối với metformin) hoặc 8 – 12 tuần (đối với rosiglitazone).
Chống chỉ định với Avandamet
Quá mẫn với thành phần thuốc. Nhiễm toan ceton hay tiền hôn mê đái tháo đường. Suy thận.
Tương tác thuốc của Avandamet
Furosemide, nifedipine, các thuốc cation. Thiazid và các thuốc lợi tiểu khác, corticosteroid, phenothiazine, thuốc trị tuyến giáp, estrogens, uống ngừa thai, phenytoin, nicotinic acid, kích thích thần kinh giao cảm, thuốc chẹn kênh calci, isoniazid.
Tác dụng phụ của Avandamet
- Hạ đường huyết, phù, thiếu máu, tăng cân, rối loạn tiêu hóa, cảm giác vị kim loại.
- Rất hiếm: nhiễm toan.
- Quá liều: trong thử nghiệm lâm sàng, liều rosiglitazone uống 1 lần đến 20 mg vẫn dung nạp tốt. Khi quá liều, trị liệu nâng đỡ tùy tình trạng bệnh nhân. Metformin có thể được loại trừ khỏi cơ thể qua thẩm tách máu.
Đề phòng khi dùng Avandamet
Không dùng cho đái tháo đường type 1. Có thể gây phóng noãn ở một vài phụ nữ tiền mãn kinh. Tránh dùng khi có suy tim nặng. Theo dõi sát khi dùng thuốc khi có nguy cơ suy tim, suy gan. Phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em tránh dùng.

Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Metformin

Nhóm thuốc
Hocmon, Nội tiết tố
Thành phần
Metformin hydrochloride
Dược lực của Metformin
Metformin hydrochloride thuộc nhóm biguanide. Tên hoá học là 1,1-dimethyl biguanide hydrochloride, là thuốc uống hạ đường huyết khác hẳn và hoàn toàn không có liên hệ với các sulfonylurea về cấu trúc hoá học hoặc phương thức tác dụng.
Dược động học của Metformin
Metformin được hấp thu nhanh chóng từ đường tiêu hoá và tập trung chọn lọc ở niêm mạc ruột. Thuốc được bài xuất dưới dạng không đổi trong nước tiểu. Thời gian bán hủy sinh học của metformin khoảng 4 giờ và hiệu quả lâm sàng duy trì đến 8 giờ. Tác động đạt mức tối đa khoảng 2 giờ sau khi uống.
Tác dụng của Metformin
Metformin hạ mức đường huyết tăng cao ở bệnh nhân tiểu đường, nhưng không có tác dụng hạ đường huyết đáng chú ý ở người không mắc bệnh tiểu đường. Như ở nhiều loại thuốc, phương thức tác dụng cụ thể của metformin chưa được biết rõ. Ðã có một số lý thuyết giải thích về phương thức tác dụng, đó là:
- Ức chế hấp thu glucose ở ruột.
- Gia tăng sử dụng glucose ở tế bào.
- Ức chế sự tân tạo glucose ở gan.
Chỉ định khi dùng Metformin
Metformin hydrochloride là một biguanide hạ đuờng huyết dùng điều trị bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin khi không thể kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn kiêng đơn thuần. Thuốc có thể được kê toa ở những bệnh nhân không còn đáp ứng với các sulfonylurea, thêm vào dẫn chất sulfonylurea đang sử dụng. Ở bệnh nhân béo phì thuốc có thể gây ra giảm cân có lợi, đôi khi tác dụng này là lý do căn bản của sự kết hợp insulin và metformin ở bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin.
Cách dùng Metformin
Tiểu đường không phụ thuộc insulin: liều khởi đầu nên là 500mg mỗi ngày, nên uống sau bữa ăn nhằm giảm đến mức tối thiểu tác dụng ngoại ý trên dạ dày ruột. Nếu chưa kiểm soát được đường huyết, có thể tăng liều dần đến tối đa 5 viên 500mg hoặc 3 viên 850mg mỗi ngày, chia làm 2 đến 3 lần.
Thận trọng khi dùng Metformin
Không nên dùng metformin ở bệnh nhân suy tim, mất nước, nghiện rượu cấp hoặc mãn hoặc bất kỳ tình trạng nào có thể dẫn đến nhiễm toan acid lactic. Không nên dùng metformin ở phụ nữ có thai và đang cho con bú.
Chống chỉ định với Metformin
Bệnh nhân suy chức năng thận, gan và tuyến giáp, suy tim, phụ nữ có thai, suy hô hấp.
Tương tác thuốc của Metformin
Sự tương tác đáng chú ý duy nhất là sự tương tác giữa metformin và rượu dùng ở liều lượng lớn làm tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactic. Ngoài ra, nhằm phòng ngừa tai biến hạ đường huyết, phải ghi nhớ tăng dần liều metformin cũng như sulfonylurea ở bệnh nhân được điều trị kết hợp.
Tác dụng phụ của Metformin
Tăng acid lactic gây toan máu, miệng có vị kim loại, buồn nôn.
Rối loạn dạ dày ruột như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy xảy ra ở khoảng 10 đến 15% bệnh nhân. Rối loạn dạ dày ruột có thể giảm đáng kể nếu dùng metformin sau bữa ăn và tăng liều dần. Thiếu Vitamin B12 đã được ghi nhận nhưng rất hiếm sau khi sử dụng metformin trong thời gian dài do ảnh hưởng của thuốc trên sự hấp thu Vitamin B12 ở ruột non.
Dùng kéo dài gây chán ăn, đắng miệng, sụt cân.
Quá liều khi dùng Metformin
Quá liều metformin sẽ dẫn đến nhiễm toan acid lactic. Nên ngưng thuốc và điều chỉnh tình trạng nhiễm toan bằng cách tiêm tĩnh mạch dung dịch natri bicarbonate 7,5%. Ở bệnh nhân nhiễm toan trầm trọng, nên thực hiện thẩm tách phúc mạc hoặc thẩm tách máu.
Đề phòng khi dùng Metformin
- Suy thận, suy gan, người lớn tuổi, trẻ - Ngưng thuốc khi có giảm oxy máu cấp, bệnh lý tim cấp, mất nước, nhiễm khuẩn.
Nhiễm acid lactic, xác định độ thanh thải creatinin trước khi bắt đầu điều trị và thường xuyên sau đó, ngưng metformin 48 giờ trước khi X quang hay phẫu thuật theo chương trình, gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống, và chỉ dùng sau khi chức năng thận đã được đánh giá trở lại bình thường, nguy cơ hạ đường huyết khi dùng kết hợp insulin hay thuốc điều trị đái tháo đường dạng uống khác (sulfonylurea, meglitinide).
Bảo quản Metformin
Bảo quản trong bóng râm, tránh nóng ẩm.

Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Rosiglitazone

Nhóm thuốc
Hocmon, Nội tiết tố
Thành phần
Rosiglitazone
Dược lực của Rosiglitazone
Trong các thử nghiệm lâm sàng, điều trị bằng Rosiglitazone(Rosiglitazone maleate) cải thiện việc điều chỉnh (kiểm soát) đường máu, được đánh giá bằng glucose huyết tương lúc đói (FPG) và hemoglobinA1c (HbA1c), đồng thời cũng làm giảm insulin và C peptid. Trị số đường máu và insulin sau ăn cũng giảm. Kết quả này phù hợp với cơ chế tác dụng của Rosiglitazone maleate như là một cảm nhiễm thể với insulin. Ðường máu được điều chỉnh ổn định với tác dụng duy trì trong 52 tuần. Liều tối đa trong ngày được đề nghị là 8mg. Các thử nghiệm về liều lượng cho thấy khi tổng liều trong ngày lên đến 12mg cũng không đem lại một lợi ích nào thêm.
Phối hợp Rosiglitazone maleate với metformin hoặc với sulfamide hạ đường máu làm giảm đáng kể đường máu so với khi dùng đơn độc các thuốc trên. Các kết quả này phù hợp với tác dụng hợp lực lên sự kiểm soát đường máu khi Rosiglitazone maleate được dùng trong liệu pháp phối hợp.
Sự giảm đường máu phối hợp với sự tăng trọng. Trong những thử nghiệm lâm sàng kéo dài 26 tuần, sự tăng trọng trung bình ở những bệnh nhân được điều trị bằng Rosiglitazone maleate là 1,2 kg (nhóm dùng 4mg/ngày) và 3,5kg (nhóm dùng 8mg/ngày) ở nhóm đơn liệu pháp và 0,7 kg (nhóm dùng 4mg/ngày) và 2,3kg (nhóm dùng 8mg/ngày) khi dùng phối hợp với metformin. Trong những nghiên cứu này có một sự sụt cân trung bình khoảng 1kg ở nhóm dùng giả dược và cả nhóm dùng metformin đơn độc. Trong một nghiên cứu có so sánh với glyburide kéo dài 52 tuần, ở nhóm bệnh nhân dùng Rosiglitazone maleate 4mg/ngày và 8mg/ngày thể trọng tăng 1,75kg và 2,95kg theo thứ tự so với 1,9kg ở nhóm dùng glyburide.
Những bệnh nhân bị rối loạn lipid cũng được đưa vào các thử nghiệm lâm sàng bằng Rosiglitazone maleate. Trong tất cả các thử nghiệm lâm sàng có so sánh kéo dài 26 tuần với liều lượng được thay đổi, Rosiglitazone maleate đơn liệu pháp thường kèm theo sự tăng cholesterol toàn phần, LDL và HDL và giảm acid béo tự do. Những thay đổi này có ý nghĩa đáng kể về mặt thống kê so với nhóm dùng giả dược hay glyburide.
LDL tăng chủ yếu trong vòng 1-2 tháng đầu tiên khi điều trị bằng Rosiglitazone maleate và vẫn giữ mức cao so với trị số ban đầu trong suốt thời gian thử nghiệm. Ngược lại, HDL tiếp tục tăng dần. Hệ quả là tỉ số LDL/HDL đạt tối đa sau điều trị 2 tháng, sau đó giảm dần. Do những thay đổi lipid chỉ là tạm thời nên thử nghiệm có so sánh với glyburide trong thời gian 52 tuần là thử nghiệm thích hợp nhất để đánh giá tác động dài hạn trên lipid. Vào thời điểm bắt đầu, vào tuần thứ 26 và tuần thứ 52, tỉ số LDL/HDL trung bình lần lượt là 3,1; 3,2 và 3,0 khi dùng Rosiglitazone maleate 4mg, 2lần/ngày. Các trị số tương ứng ở nhóm dùng glyburide là 3,2; 3,1 và 2,9. Có sự khác nhau đáng kể về mặt thống kê về những thay đổi lipid vào thời điểm bắt đầu và ở tuần thứ 52 ở nhóm dùng Rosiglitazone maleate và nhóm dùng glyburide.
Những biến đổi của LDL và HDL khi điều trị bằng Rosiglitazone maleate phối hợp với metformin hay phối hợp với sulfamide hạ đường máu nhìn chung tương tự như những thay đổi khi dùng Rosiglitazone maleate đơn độc.
Biến đổi của triglyceride khi điều trị bằng Rosiglitazone maleate rất đa dạng và không khác nhau về mặt thống kê so với nhóm dùng giả dược hay glyburide.
Do Rosiglitazone maleate không kích thích sự tiết insulin nên hạ đường máu không xảy ra khi dùng Rosiglitazone maleate đơn độc hay khi phối hợp với metformin. Trong các thử nghiệm có kiểm soát, những bệnh nhân được điều trị bằng Rosiglitazone maleate với tổng liều tối đa là 4mg/ngày phối hợp với sulfamide hạ đường máu có tỉ lệ hạ đường máu (4,8%) tương tự như nhóm được điều trị đơn thuần bằng sulfamide hạ đường máu (5,9%).
Tác dụng của Rosiglitazone
Rosiglitazone maleate là một thiazolidinedione uống điều trị đái tháo đường loại 2 và hiện đang được nghiên cứu trong điều trị vẩy nến. Thuốc này là một đồng vận mạnh và chọn lọc của PPAR-g (thụ thể hoạt hóa yếu tố tăng sinh peroxisome). Chất này có tác dụng ức chế sản xuất cytokine và thúc đẩy sự biệt hóa tế bào.
Chỉ định khi dùng Rosiglitazone
Ðơn liệu pháp hỗ trợ cho đái tháo đường type 2 khi kiểm soát đường huyết không đạt được bằng chế độ ăn kiêng & tập thể dục. Có thể phối hợp với metformin hoặc các sulfamid hạ đường máu.
Cách dùng Rosiglitazone
Khởi đầu 4 mg x 1-2lần/ngày. Sau 12 tuần nếu kém đáp ứng có thể tăng liều 8mg x 1-2lần/ngày.
Thận trọng khi dùng Rosiglitazone
Khi phối hợp với các thuốc hạ đường máu khác có thể có nguy cơ hạ đường máu. Thận trọng bệnh nhân có nguy cơ suy tim. Không phối hợp với metformin trên người suy thận. Không dùng thuốc khi có bệnh gan cấp hoặc tăng men gan. Tránh dùng ở phụ nữ có thai & cho con bú. Bệnh nhân dưới 18 tuổi.
Chống chỉ định với Rosiglitazone
Mẫn cảm với rosiglitazone. Ðái tháo đường type 1. Nhiễm acid ceton do đái tháo đường.
Tương tác thuốc của Rosiglitazone
Các thuốc được chuyển hóa bởi Cytochrom P 450:
Các thử nghiệm in-vitro (trong phòng thí nghiệm) về sự chuyển hóa thuốc công nhận rằng rosiglitazone ở các nồng độ thích hợp trên lâm sàng đều không ức chế bất kỳ enzym P450 chủ yếu nào. Các dữ liệu trong phòng thí nghiệm cho thấy rosiglitazone được chuyển hóa chủ yếu bởi CYP2C8 và CYP2C9, trong đó CYP2C8 chiếm ưu thế hơn.
Không có các tác dụng lâm sàng liên quan đối với dược động học của nifedipine và các thuốc ngừa thai đường uống (ethinylestradiol và norethindron) khi dùng Rosiglitazone maleate liều 4mg, 2 lần trong ngày vì các loại thuốc này được chuyển hóa chủ yếu bởi CYP3A4.
Glyburid: Khi dùng Rosiglitazone maleate (liều 2mg, 2 lần trong ngày) cùng với glyburid (liều 3,75 đến 10mg/ngày) trong 7 ngày vẫn không làm thay đổi nồng độ glucose trung bình luôn ổn định suốt 24 giờ trong huyết tương ở bệnh nhân đái tháo đường đã ổn định với trị liệu glyburid.
Metformin: Không có ảnh hưởng nào trên dược động học cơ bản của cả hai chất khi dùng Rosiglitazone maleate (liều 2mg, 2 lần trong ngày) phối hợp với metformin (liều 500mg, 2 lần trong ngày) trong 4 ngày ở người tình nguyện khỏe mạnh.
Acarbose: Không có tác dụng lâm sàng liên quan trên dược động học của Rosiglitazone maleate liều uống duy nhất khi dùng thuốc này cùng lúc với acarbose (liều 100mg, 3 lần trong ngày) trong 7 ngày ở người tình nguyện khỏe mạnh.
Digoxin: Liều uống lặp lại Rosiglitazone maleate (liều 8mg ngày một lần) trong 14 ngày không làm thay đổi dược động học cơ bản của digoxin (liều 0,35mg ngày một lần) ở người tình nguyện khỏe mạnh.
Warfarin: Liều lặp lại Rosiglitazone maleate không gây tác dụng lâm sàng liên quan trên dược động học cơ bản của các enantiomer của warfarin.
Ethanol: Uống một lượng rượu vừa phải duy nhất một lần không làm tăng nguy cơ hạ đường máu cấp ở bệnh nhân đái tháo đường thể 2 được điều trị với Rosiglitazone maleate.
Ranitidin: Việc điều trị trước đó với ranitidin (liều 150mg, 2 lần trong ngày, trong 4 ngày) không làm thay đổi dược động học của đơn liều uống hoặc liều tiêm tĩnh mạch Rosiglitazone maleate ở người tình nguyện khỏe mạnh. Các kết quả này cho thấy sự hấp thu rosiglitazone đường uống không bị thay đổi trong những điều kiện có tăng pH dạ dày-ruột kèm theo.
Tác dụng phụ của Rosiglitazone
Phản ứng có hại
Một số bệnh nhân bị thiếu máu và phù ở mức độ từ nhẹ đến trung bình.
Quá liều khi dùng Rosiglitazone
Các tài liệu về quá liều chỉ định ở người vẫn còn giới hạn. Trong các thử nghiệm lâm sàng ở người tình nguyện, Rosiglitazone maleate được uống một liều cho đến 20mg và được dung nạp tốt. Trong trường hợp uống quá liều, phải có điều trị hỗ trợ thích hợp với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.
Bảo quản Rosiglitazone
Bảo quản ở nơi khô ráo dưới 30 độ C.