Buckthorn

Thảo dược buckthorn chứa các thành phần như: vitamin A, B1, B2, B6, C và các thành phần khác nên có tác dụng chống kích thích đường tiêu hóa.

Nhóm thuốc
Thuốc chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn
Dạng bào chế
Thảo dược buckthorn có những dạng và hàm lượng sau:
  • Dịch chiết xuất;
  • Thảo dược khô;
  • Trà.
 
Tác dụng của Buckthorn

Buckthorn là một loại thảo dược, thành phần được dùng làm thuốc là vỏ cây sấy khô. Vỏ cây được dùng như thuốc nhuận trường, thuốc bổ… Ngoài ra, thảo dược buckthorn có thể được sử dụng cho một số chỉ định khác không được đề cập trong hướng dẫn này, bạn hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Buckthorn chứa các thành phần như: vitamin A, B1, B2, B6, C và các thành phần khác, do đó có tác dụng chống kích thích đường tiêu hóa.

Cách dùng Buckthorn

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh:

Mỗi loại dạng bào chế có liều lượng dùng khác nhau. Nếu bị tiêu chảy, bạn dùng thuốc liều lượng sau:

  • Vỏ khô: bạn dùng 0,5−2,5g;
  • Trà: bạn pha 2g thảo mộc trong 150 ml nước sôi trong 5−10 phút;
  • Dịch chiết xuất (1:1 trong cồn 25%): bạn dùng 2−5 ml, 3 lần mỗi ngày. Bạn chỉ nên dùng dịch chiết xuất trong trường hợp thay đổi chế độ ăn uống và chất nhuận tràng lượng lớn không có tác dụng. Bạn không nên sử dụng dịch chiết xuất này kéo dài hơn bảy đến mười ngày.

Liều dùng của loại thảo dược này có thể khác nhau tùy theo mỗi bệnh nhân. Liều dùng thảo dược phụ thuộc vào: tuổi tác, tình trạng sức khỏe và một số yếu tố khác. Việc sử dụng các loại thảo dược không phải lúc nào cũng an toàn. Vì vậy, bạn nên thảo luận với bác sĩ hoặc dược sĩ về liều lượng thảo dược thích hợp dành cho mình.

Liều dùng cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và xác định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ.

Thận trọng khi dùng Buckthorn

Trước khi dùng Buckthorn, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bạn đang mang thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú;
  • Bạn đang dùng bất cứ thuốc nào khác, kể cả thuốc kê toa hoặc thuốc không kê toa;
  • Bạn bị dị ứng với buckthorn, tá dược trong thuốc buckthorn;
  • Bạn mắc những tình trạng bệnh khác, có thể ảnh hưởng đến việc dùng thuốc, đặc biệt là tiêu chảy, tắc ruột, viêm ruột thừa, đau bụng hoặc các tình trạng viêm ruột bao gồm bệnh Crohn, viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích (IBS);
  • Bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc, thức ăn, thuốc nhuộm, chất bảo quản hoặc động vật nào khác.

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Tương tác thuốc của Buckthorn

Thảo dược buckthorn có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thảo dược, bạn không tự ý dùng thảo dược, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thảo dược mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Mặc dù một số loại thuốc không nên được sử dụng với nhau, nhưng trong một số trường hợp bạn có thể sử dụng hai loại thuốc cùng nhau ngay cả khi xảy ra tương tác. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ thay đổi liều lượng hoặc biện pháp phòng ngừa khác nếu cần thiết. Bác sĩ cần biết nếu bạn đang dùng bất cứ loại thuốc nào được liệt kê dưới đây. Những tương tác thuốc sau được lựa chọn dựa trên mức độ thường gặp và không bao gồm tất cả.

Những thuốc có thể tương tác với thảo dược buckthorn bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm (corticosteroid): dùng thảo dược buckthorn kèm với một số thuốc kháng viêm có thể làm giảm kali quá mức. Một số loại thuốc kháng viêm bao gồm: dexamethasone (Decadron®), hydrocortisone (Cortef®), methylprednisolone (Medrol®), prednisone (Deltasone®) và các loại thuốc khác;
  • Digoxin (Lanoxin®): nồng độ kali thấp có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của digoxin (Lanoxin®);
  • Thuốc lợi tiểu: uống buckthorn kèm với thuốc lợi tiểu có thể làm giảm kali quá mức. Một số loại thuốc lợi tiểu bao gồm: chlorothiazide (Diuril®), chlorthalidone (Thalitone®), furosemide (Lasix®), hydrochlorothiazide (HCTZ®, HydroDiuril®, Microzide®) và các loại thuốc khác.

Bên cạnh đó, khi dùng kèm buckthorn với các loại thuốc sau đây cũng gây ra tương tác, chẳng hạn như:

  • Thuốc dùng bằng đường uống: buckthorn có thể làm giảm lượng thuốc hấp thụ, dẫn đến có thể làm giảm hiệu quả của thuốc;
  • Thuốc nhuận trường kích thích: buckthorn làm tăng nhu động ruột. Dùng buckthorn kèm với thuốc nhuận trường kích thích khác có thể làm tăng nhu động ruột, làm mất nước và giảm chất khoáng trong cơ thể. Một số loại thuốc nhuận trường kích thích bao gồm: bisacodyl (Correctol®, Dulcolax®), cascara, dầu thầu dầu (Purge), senna (Senokot®) và các loại khác;
  • Warfarin (Coumadin®): trong một số trường hợp, buckthorn có thể gây tiêu chảy. Tiêu chảy có thể làm tăng tác dụng của warfarin và làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu bạn đang dùng warfarin, bạn không nên uống quá nhiều buckthorn.

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thảo dược nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thảo dược này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Tác dụng phụ của Buckthorn

Khi dùng thảo dược buckthorn, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ sau:

  • Đau bụng, hen suyễn, rối loạn chức năng ruột kết, ung thư đại trực tràng;
  • Chết tế bào biểu mô, hạ canxi máu, bệnh nhiễm hắc tố kết tràng;
  • Buồn nôn, viêm mũi (nghẹt mũi), khối u tăng sinh và nôn mửa;
  • Các vấn đề về tim mạch, huyết áp thấp;
  • Có máu trong nước tiểu;
  • Tiêu chảy hoặc phân lỏng.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.