Celiprolol

Nhóm thuốc
Thuốc tim mạch
Tác dụng của Celiprolol

Celiprolol hydrochloride là một thuốc thuộc nhóm chẹn beta. Các thuốc này hoạt động bằng cách làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp.

Celiprolol có thể được sử dụng để điều trị tăng huyết áp.

Bạn nên dùng thuốc này lúc bụng đói. Dùng ít nhất nửa giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn.

Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Cách dùng Celiprolol

Đường uống

Tăng huyết áp, đau thắt ngực

Người lớn: 200-400 mg một lần mỗi ngày.

Tính an toàn và hiệu quả của thuốc hiện vẫn chưa được xác định ở trẻ em (nhỏ hơn 18 tuổi).

Celiprolol có những dạng và hàm lượng sau:

  • Thuốc viên nén.
Thận trọng khi dùng Celiprolol

Hãy bảo đảm rằng việc sử dụng celiprolol là an toàn cho bạn. Nếu bạn trả lời “Có” đối với bất kỳ các câu hỏi dưới đây, hoặc bạn không chắc chắn, hãy tham khảo ý kiến tư vấn từ dược sĩ hoặc bác sĩ.

  • Bạn có đang mang thai, dự tính mang thai, hoặc đang cho con bú không?
  • Bạn có phản ứng dị ứng với celiprolol hoặc bất kỳ các thành phần nào của thuốc không ? (Phản ứng dị ứng bao gồm phát ban, ngứa hoặc khó thở)
  • Bạn có bị suy tim không kiểm soát, các vấn đề về nhịp tim, rối loạn nhịp tim hoặc mạch chậm không?
  • Bạn có bao giờ bị sốc do một vấn đề về tim hoặc do dị ứng nghiêm trọng đột ngột không?
  • Bạn có mắc vấn đề nào về thận không?
  • Bạn có bị hen suyễn hoặc khó thở không?
  • Bạn có bị bệnh vảy nến không?
  • Bạn có bị hạ huyết áp không?
  • Bạn có bị tăng huyết áp do một khối u ở gần thận không?
  • Bạn có nồng độ chất bất thường trong máu như canxi, natri, kali hoặc ure không?
  • Bạn có bị các vấn đề tuần hoàn ở bàn tay và bàn chân không ?
  • Bạn có phải phẫu thuật ở bệnh viện không ?
  • Bạn có đang dùng các loại thuốc khác, đặc biệt là theophylline (để điều trị các vấn đề hô hấp), disopyramide hoặc verapamil (để điều trị nhịp tim không đều), digoxin (để tăng cường nhịp tim) hoặc chlortalidone hoặc hydrochlorothiazide (dùng để hạ huyết áp).

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai kỳ, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:

  • A = Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.
Tương tác thuốc của Celiprolol

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Mặc dù một số các loại thuốc không nên được sử dụng chung với nhau, nhưng trong các trường hợp khác hai loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng chung với nhau cho dù có xuất hiện sự tương tác thuốc. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ thay đổi liều lượng thuốc của bạn, hoặc các biện pháp đề phòng khác có thể cần thiết. Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang dùng bất kỳ các loại thuốc kê toa hoặc không kê toa nào khác.

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Tác dụng phụ của Celiprolol

Một số tác dụng phụ mà bạn có thể gặp: buồn nôn, khó chịu ở bụng, tiêu chảy; suy tim sung huyết, chẹn nút nhĩ thất và nhịp tim chậm, đánh trống ngực; đau đầu, mệt mỏi, choáng váng, mất ngủ; hiện tượng Raynaud; hạ huyết áp tư thế; tắc nghẽn phế quản; run; phát ban, vọp bẻ cơ; liệt dương.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.