Enteropin

Nhóm thuốc
Thuốc đường tiêu hóa
Thành phần
Atropine sulfate, Streptomycin, Sulfaguanidine
Dạng bào chế
Viên nang
Dạng đóng gói
Hộp 10 vỉ x 10 viên nang
Sản xuất
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang - VIỆT NAM
Số đăng ký
VNA-0211-02

    Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Atropine sulfate

    Nhóm thuốc
    Thuốc cấp cứu và giải độc
    Thành phần
    Atropin sulfat
    Dược lực của Atropine sulfate
    Atropin là thuốc kháng acetyl cholin (ức chế đối giao cảm).
    Dược động học của Atropine sulfate
    Atropin được hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, qua các niêm mạc, ở mắt và một ít qua da lành lặn. Khả dụng sinh học của thuốc theo đường uống khoảng 50%. Thuốc đi khỏi máu nhanh và phân bố khắp cơ thể. Thuốc qua hàng rào máu – não, qua nhau thai và có vết trong sữa mẹ. Nửa đời của thuốc vào khoảng 2 – 5 giờ, dài hơn ở trẻ nhỏ, trẻ em và người cao tuổi. Một phần atropin chuyển hóa ở gan, thuốc đào thải qua thận nguyên dạng 50% và cả ở dạng chuyển hóa.
    Tác dụng của Atropine sulfate
    Atropin là alcaloid kháng muscarin, một hợp chất amin bậc ba, có cả tác dụng lên TKTW và ngoại biên. Thuốc ức chế cạnh tranh với acetylcholin ở các thụ thể muscarin của các cơ quan chịu sự chi phối của hệ phó giao cảm (sợi hậu hạch cholinergic) và ức chế tác dụng của acetylcholin ở cơ trơn. Atropin được dùng để ức chế tác dụng của hệ thần kinh đối giao cảm . Với liều điều điều trị, atropin có tác dụng yếu lên thụ thể nicotin.
    Chỉ định khi dùng Atropine sulfate
    Atropin và các thuốc kháng muscarin được dùng để ức chế tác dụng của hệ thần kinh trung ương đối giao cảm trong nhiều trường hợp:
    Rối loạn bộ máy tiêu hóa.
    Loét dạ dày – hành tá tràng: Ức chế khả năng tiết acid dịch vị.
    Hội chứng kích thích ruột: Giảm tình trạng co thắt đại tràng, giảm tiết dịch.
    Điều trị triệu chứng ỉa chảy cấp hoặc mãn tính do tăng nhu động ruột và các rối loạn khác có co thắt cơ trơn: Cơn đau co thắt đường mật, đường tiết niệu (cơn đau quặn thận).
    Triệu chứng ngoại tháp: xuất hiện do tác dụng phụ của liệu pháp điều trị tâm thần.
    Bệnh parkinson ở giai đoạn đầu khi còn nhẹ, chưa cần thiết phải bắt đầu điều trị bằng thuốc loại dopamin.
    Dùng trước khi phẫu thuật nhằm tránh bài tiết quá nhiều nước bọt và dịch ở đường hô hấp và để ngừa các tác dụng của đối giao cảm (loạn nhịp tim, hạ huyết áp, chậm nhịp tim) xảy ra trong khi phẫu thuật.
    Điều trị nhịp tim chậm do ngộ độc digitalis: điều trị thăm dò bằng atropin.
    Điều trị cơn co thắt phế quản.
    Chỉ định khác: phòng sau tàu – xe, đái không tự chủ, giãn đồng tử, mất khả năng điều tiết của mắt.
    Cách dùng Atropine sulfate
    Dùng tại chỗ (nhỏ mắt):
    Trẻ em trên 6 tuổi: 1 giọt, 1 – 2 lần mỗi ngày.
    Người lớn: 1 giọt, 1 – 5 lần/ngày (1 giọt chứa khoảng 0,3mg atropin sulfat).
    Điều trị toàn thân:
    Điều trị chống co thắt và tăng tiết đường tiêu hóa: liều tối ưu cho từng người được dựa vào khô mồm vừa phải làm dấu hiệu của liều hiệu quả.
    Điều trị nhịp tim chậm: 0,5 – 1mg tiêm tĩnh mạch, lặp lại cách nhau 3 – 5 phút/lần cho tới tổng liều 0,04 mg/kg cân nặng. Nếu không tiêm được tĩnh mạch, có thể cho qua ống nội khí quản.
    Điều trị ngộ độc phospho hữu cơ: người lớn: liều đầu tiên 1 – 2mg hoặc hơn, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch cách nhau 10 – 30 phút/lần cho tới khi hết tác dụng muscarin hoặc có dấu hiệu nhiễm độc atropin. Trong nhiễm độc phospho vừa đến nặng, thường duy trì atropin ít nhất 2 ngày và tiếp tục chừng nào còn triệu chứng. Khi dùng lâu, phải dùng loại không chứa chất bảo quản.
    Tiền mê:
    Người lớn: 0,30 đến 0,60mg:
    Trẻ em: 3 – 10kg: 0,10 – 0,15mg; 10 – 12kg: 0,15mg; 12 – 15kg: 0,20mg; 15 – 17kg: 0,25mg; 17 – 20kg: 0,30mg; 20 – 30kg: 0,35mg; 30 – 50kg: 0,40 – 0,50mg.
    Tiêm thuốc vào dưới da 1 giờ trước khi gây mê. Nếu không có đủ thời gian thì có thể tiêm vào tĩnh mạch một liều bằng ¾ liều tiêm dưới da 10 – 15 phút trước khi gây mê.
    Thận trọng khi dùng Atropine sulfate
    Trẻ em và người cao tuổi (dễ bị tác dụng phụ của thuốc).
    Người bị tiêu chảy.
    Người bị sốt.
    Người bị ngộ độc giáp, suy tim, mổ tim.
    Người đang bị nhồi máu cơ tim cấp, có huyết áp cao.
    Người suy gan, suy thận.
    Dùng atropin nhỏ mắt, nhất là ở trẻ em, có thể gây ra ngộ độc toàn thân.
    Dùng atropin nhỏ mắt kéo dài có thể gây kích ứng tại chỗ, sung huyết, phù và viêm kết mạc.
    Thời kỳ mang thai:
    Atropin đi qua nhau thai nhưng chưa xác định được nguy cơ độc đối với phôi và thai nhi. Cần thận trọng các tháng cuối của thai kỳ vì có thể có tác dụng không mong muốn đối với thai nhi.
    Thời kỳ cho con bú:
    Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với thuốc kháng acetylcholin, cần tránh dùng kéo dài trong thời kỳ cho con bú vì trẻ nhỏ thường rất nhạy cảm với thuốc kháng acetyl cholin.
    Chống chỉ định với Atropine sulfate
    Phì đại tuyến tiền liệt (gây bí đái), liệt ruột hay hẹp môn vị, nhược cơ, glôcôm góc đóng hay góc hẹp (làm tăng nhãn áp và có thể thúc đẩy xuất hiện glôcôm).
    Trẻ em: khi môi trường khí hậu nóng hoặc sốt cao.
    Tương tác thuốc của Atropine sulfate
    Atropin và rượu: nếu uống rượu đồng thời với dùng atropin, thì khả năng tập trung chú ý bị giảm nhiều, khiến cho điều khiển xe, máy, dễ nguy hiểm.
    Atropin và các thuốc kháng acetyl cholin khác: các tác dụng kháng acetyl cholin sẽ mạnh lên nhiều, cả ở ngoại vi và trung ương. Hậu quả có thể rất nguy hiểm.
    Atropin và một số thuốc kháng histamin, butyrophenon, phenothiazin, thuốc chống trầm cảm ba vòng: nếu dùng atropin đồng thời với các thuốc trên thì tác dụng của atropin sẽ tăng lên.
    Atropin có thể làm giảm hấp thu thuốc khác vì làm giảm nhu động của dạ dày.
    Tác dụng phụ của Atropine sulfate
    Thường gặp:
    Toàn thân: khô miệng, khó nuốt, khó phát âm, khát, sốt, giảm tiết dịch ở phế quản.
    Mắt: giãn đồng tử, mất khả năng điều tiết của mắt, sợ ánh sáng.
    Tim – mạch: chậm nhịp tim thoáng qua, sau đó là nhịp tim nhanh, trống ngực và loạn nhịp.
    Thần kinh trung ương: lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích.
    Ít gặp:
    Toàn thần: phản ứng dị ứng, da bị đỏ ửng và khô, nôn.
    Tiết niệu: đái khó.
    Tiêu hóa: giảm trương lực và nhu động của ống tiêu hóa, dẫn đến táo bón.
    Thần kinh trung ương: lảo đảo, choáng váng.
    Quá liều khi dùng Atropine sulfate
    Khi ngộ độc có các triệu chứng giãn đồng tử, nhịp tim nhanh, thở nhanh, sốt cao, hệ thần kinh trung ương bị kích thích (bồn chồn, lú lẫn, hưng phấn, các phản ứng rối loạn tâm thần và tâm lý, hoang tưởng, mê sảng, đôi khi co giật). Trong trường hợp ngộ độc nặng thì hệ thần kinh trung ương bị kích thích quá mức có thể dẫn đến ức chế, hôn mê, suy tuần hoàn, suy hô hấp, rồi tử vong.
    Nếu là do uống quá liều thì phải rửa dạ dày, nên cho uống than hoạt trước khi rửa dạ dày. Cần có các biện pháp điều trị hỗ trợ. Có thể dùng diazepam khi bị kích thích và co giật. Không được dùng phenothiazin vì sẽ làm tăng tác dụng của thuốc kháng acetyl cholin.
    Bảo quản Atropine sulfate
    Bảo quản thuốc trong bao bì kín, tránh ánh sáng, để ở nhiệt độ 30 độ C.

    Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Streptomycin

    Nhóm thuốc
    Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus,kháng nấm
    Thành phần
    Streptomycin sulfate.
    Dược lực của Streptomycin
    Streptomycin được phân lập từ môi trường nuôi cấy Streptomyces griseus. Là kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid có hoạt phổ rộng.
    Dược động học của Streptomycin
    - Hấp thu: Streptomycin ít hấp thu qua đường tiêu hoá, nhưng không bị phá huỷ bởi acid dịch vị và bền vững với penicillinase. Thuốc chủ yếu dùng đường tiêm bắp, ngoài ra còn có thể dùng đường uống để diệt khuẩn tại đường tiêu hoá.
    - Phân bố: thuốc ít liên kết với protein huyết tương, khuếch tác chủ yếu vào dịch ngoại bào, vào được nhau thai và sữa mẹ, ít vào dịch não tuỷ kể cả khi màng não bị viêm.
    - Chuyển hoá: Streptomycin ít chuyển hoá trong cơ thể.
    - Thải trừ: Thuốc thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, thời gian bán thải khoảng 2-4 giờ.
    Tác dụng của Streptomycin
    Streptomycin là kháng sinh phổ rộng có tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn gram âm, còn trên vi khuẩn gram dương tác dụng kém penicillin.
    Streptomycin có tác dụng tốt trên trực khuẩn lao, nhất là vi khuẩn lao ở giai đoạn sinh sản nhanh. Ngoài ra còn có tác dụng cả trên trực khuẩn gây bệnh phong, dịch hạch và trực khuẩn đường ruột.
    Chỉ định khi dùng Streptomycin
    Bệnh lao BK(+) (phối hợp đa hoá trị). Bệnh Brucella, Tularemia, dịch hạch. Phối hợp với kháng sinh khác trong một số nhiễm trùng nhạy cảm: nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc.
    Cách dùng Streptomycin
    Tiêm bắp. Người lớn: 0,5-1,5g/24 giờ. Trẻ em & nhũ nhi: 30-50mg/kg/24 giờ.
    Thận trọng khi dùng Streptomycin
    Suy thận: chỉnh liều theo Clcr. Rối loạn tiền đình ốc tai. Người cao tuổi. Có thai & cho con bú.
    Chống chỉ định với Streptomycin
    Quá mẫn với nhóm aminoglycoside. Nhược cơ.
    Tương tác thuốc của Streptomycin
    Curare, thuốc giãn cơ, một vài thuốc mê. Thuốc có cùng độc tính trên thận & tai.
    Tác dụng phụ của Streptomycin
    Streptomycin gây độc với thính giác mạnh nhất trong nhóm, như rối loạn tiềnđình, ốc tai, gây ù tai, giảm thính lực và điếc không hồi phục.
    Thuốc cũng gây độc với thận( mức độ nhẹ hơn gentamicin ).
    Dị ứng: mày đay, ban da, viêm da tróc vảy, viêm miệng, shock phản vệ.
    Các tác dụng không mong muốn khác: ức chế dẫn truyền thần kinh cơ, trường hợp nặng gây suy hô hấp, liệt hô hấp, liệt cơ.

    Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Sulfaguanidine

    Nhóm thuốc
    Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus,kháng nấm
    Thành phần
    Sulfaguanidine
    Dược lực của Sulfaguanidine
    Sulfaguanidine là một Sulfonamide có tác động chủ yếu là kìm khuẩn. Sulfaguanidine có cấu trúc tương tự acid p– aminobenzoic do đó cản trở sự tổng hợp acid nucleic ở vi khuẩn nhạy cảm bằng cách ức chế sự chuyển đổi của acid p– aminobenzoic thành coenzyme acid dihydrofolic – một dạng chuyển hóa của acid folic.
    Dược động học của Sulfaguanidine
    Sulfaguanidine rất ít hấp thu qua niêm mạc ruột vào máu (khoảng 20%). Tuy nhiên, hấp thu có thể tăng ở những bệnh nhân có bệnh đường tiêu hóa. Sulfaguanidine cũng như các Sulfonamide khác chuyển hóa chủ yếu ở gan, phần lớn thành dẫn xuất acetyl không có hoạt tính và ít tan trong trong nước. Các Sulfonamide và chất chuyển hoá của nó thải trừ phần lớn ở thận
    Chỉ định khi dùng Sulfaguanidine
     Tiêu chảy cấp do nguyên nhân vi khuẩn mà chưa có các dấu hiệu suy giảm tình trạng cơ thể, sốt, nhiễm độc vi sinh vật,
    Cách dùng Sulfaguanidine
    – Uống thuốc với nhiều nước. – Người lớn : uống 4 – 6 viên/ngày, chia 2– 3 lần. – Trẻ em : Từ 7– 15 tuổi : uống 3 – 4 viên/ngày, chia 2– 3 lần. Từ 1– dưới 7 tuổi : uống 2 – 3 viên/ngày, chia 2– 3 lần. Một đợt dùng từ 5– 7 ngày.
    Thận trọng khi dùng Sulfaguanidine
    – Ngưng ngay lập tức việc sử dụng thuốc khi có bất kỳ dấu hiệu mẫn cảm nào.
    – Thận trọng đối với bệnh nhân suy gan, suy thận, người lớn tuổi, tiền sử dị ứng hoặc hen suyễn.
    – Điều trị không thể thay thế chế độ ăn uống và việc bù nước nếu cần thiết. Mức độ bù nước và đường sử dụng (đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch) tuỳ theo tuổi, tình trạng bệnh nhân và mức độ tiêu chảy.
    Cầnkiểm tra số lượng hồng cầu và xét nghiệm nước tiểu, đặc biệt trong thời gian điều trị kéo dài.
    Chống chỉ định với Sulfaguanidine
    – Mẫn cảm với Sulfonamide hay một trong các thành phần của thuốc.
    – Thiếu Glucose– 6– phosphate dehydrogenase (G6PD)
    – Phụ nữ có thai, cho con bú.
    – Trẻ em dưới 2 tháng tuổi.
    – Bệnh nhân có rối loạn tạo máu, rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, bệnh thận nặng, suy gan nặng.
    Tương tác thuốc của Sulfaguanidine
    Sulfaguanidine làm thay đổi vị trí kết dính với protein huyết tương hoặc ức chế sự chuyển hóa của các thuốc kháng đông đường uống, Methotrexate, Phenytoin
    Tác dụng phụ của Sulfaguanidine
    Tác dụng phụ
    – Buồn nôn, nôn, chán ăn.
    – Ban da, phản ứng nhạy cảm với ánh sáng, viêm da tróc vảy, hội chứng Lyell.
    – Mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm Prothrombin– huyết, tăng bạch cầu ái Eosin.
    – Giảm chức năng gan, thận.
    Thông báo cho bác sỹ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
    Quá liều khi dùng Sulfaguanidine
    – Nếutrường hợp quá liều xảy ra, đề nghị đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế có phương pháp xử lý.