Fluocinonide

Nhóm thuốc
Thuốc điều trị bệnh da liễu
Dạng bào chế
  • Thuốc fluocinonide có những dạng và hàm lượng sau:
  • Kem: 0,05% (15 g, 30 g, 60 g, 120 g), 0,1% (30 g, 60 g, 120 g);
  • Gel: 0,05% (15 g, 30 g, 60 g);
  • Thuốc mỡ: 0,05% (15 g, 30 g, 60 g);
  • Dung dịch: 0,05% (20 ml, 60 ml);<
Tác dụng của Fluocinonide

Bạn sử dụng thuốc fluocinonide để điều trị nhiều loại bệnh về da (ví dụ như eczema, viêm da, dị ứng, phát ban). Thuốc làm giảm sưng, ngứa, mẩn đỏ có thể xảy ra ở các loại bệnh. Thuốc fluocinonide là một loại corticosteroid mạnh.

Cách dùng Fluocinonide

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh viêm da

Bẹn nên thoa một lớp mỏng thuốc lên vùng da bị ảnh hưởng 2-4 lần một ngày.

Kem fluocinonide 0.1%: bạn nên thoa một lớp mỏng thuốc lên vùng da bị ảnh hưởng mỗi ngày một lần. Việc điều trị nên được giới hạn trong 2 tuần liên tiếp và không quá 60 g mỗi tuần.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh vẩy nến

Bạn nên thoa một lớp mỏng thuốc lên vùng da bị ảnh hưởng 1 hoặc 2 lần một ngày.

Kem fluocinonide 0.1%: bạn thoa một lớp mỏng lên vùng da bị ảnh hưởng 1 hoặc 2 lần một ngày. Việc điều trị nên được giới hạn trong 2 tuần liên tiếp và không quá 60 g mỗi tuần.

Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh viêm da

Bạn cho trẻ thoa một lớp mỏng thuốc lên vùng da bị ảnh hưởng 2-4 lần một ngày.

Kem fluocinonide 0.1%: đối với những trẻ trên 12 tuổi, bạn cho trẻ thoa một lớp mỏng lên vùng da bị ảnh hưởng 1 hoặc 2 lần một ngày. Việc điều trị nên được giới hạn trong 2 tuần liên tiếp và không quá 60 g mỗi tuần.

Thận trọng khi dùng Fluocinonide

Trước khi sử dụng thuốc fluocinonide, bạn nên báo với bác sĩ và dược sĩ nếu:

  • Bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Bạn cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp này;
  • Bạn dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc fluocinonide ;
  • Bạn đang dùng những thuốc khác (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng), chẳng hạn như: các tác nhân ung thư hóa trị, thuốc dùng tại chỗ khác, và các vitamin;
  • Bạn đang hoặc đã từng mắc các bệnh lí sau đây: nhiễm trùng, bệnh đái tháo đường, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, rối loạn tuần hoàn hoặc rối loạn miễn dịch;
  • Bạn có thai trong khi sử dụng thuốc fluocinonide, hãy báo bác sĩ ngay lập tức.

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Tương tác thuốc của Fluocinonide

Thuốc fluocinonide có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Mặc dù, bạn không nên sử dụng một số loại thuốc với nhau, nhưng trong một số trường hợp hai loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng cùng nhau ngay cả khi có thể xảy ra tương tác. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ thay đổi liều lượng hoặc biện pháp phòng ngừa tương tác nếu cần thiết. Bạn cần nói cho bác biết nếu mình đang dùng bất cứ loại thuốc nào.

Bạn không nên dùng một số loại thuốc trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

  • Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe dưới đây:
  • Hội chứng Cushing (rối loạn tuyến thượng thận);
  • Bệnh tiểu đường;
  • Tăng đường huyết;
  • Tăng áp lực nội sọ – bạn nên sử dụng thuốc thận trọng vì có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn;
  • Nhiễm trùng da gần nơi dùng thuốc;
  • Lở loét lớn, da bị thương hoặc chấn thương da nghiêm trọng gần nơi dùng thuốc – tác dụng phụ tăng lên;
  • Viêm da quanh miệng;
  • Nổi ban đỏ – không nên sử dụng thuốc ở những bệnh nhân này.
Tác dụng phụ của Fluocinonide

Bạn nên gọi cấp cứu nếu có những triệu chứng của phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.

Bạn nên ngưng dùng thuốc và báo bác sĩ nếu vùng da được chữa trị bị kích ứng nghiêm trọng hoặc thấy những dấu hiệu hấp thu thuốc qua da bao gồm:

  • Nhìn mờ hoặc nhìn thấy quầng sáng quanh đèn;
  • Thay đổi tâm trạng;
  • Vấn đề giấc ngủ (mất ngủ);
  • Tăng cân, phù mặt;
  • Yếu cơ, cảm thấy mệt mỏi.

Bên cạnh đó, các tác dụng phụ phổ biến của thuốc có thể bao gồm:

  • Ngứa da nhẹ, rát, bong tróc hoặc khô;
  • Nhức đầu;
  • Nghẹt mũi, đau họng;
  • Mỏng hoặc làm mềm làn da;
  • Phát ban da hoặc kích thích xung quanh miệng;
  • Sưng nang lông;
  • Thay đổi màu sắc của da;
  • Mụn nước, mụn nhọt;
  • Vết rạn da.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bảo quản Fluocinonide

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.