Folinat calci

Nhóm thuốc
Thuốc cấp cứu và giải độc
Thành phần
Leucovorin calcium
Dạng bào chế
viên nén, dung dịch tiêm
Dược lực của Folinat calci
Calcium folinate là thuốc giải độc các thuốc đối kháng acid folic.
Dược động học của Folinat calci
Acid tetrahydrofolic và các dẫn chất của nó phân bố vào tất cả các mô; khoảng một nửa folat dự trữ của cơ thể ở trong gan. Ở một số ít người bệnh, nồng độ folat trong mật gấp 4,5 lần nồng độ trong huyết tương sau khi uống 2mg acid folic. Thuốc bài tiết qua nước tiểu, chủ yếu dưới dạng 10 – formyl tetrahydrofolat và 5, 10 – methenyltetrahydrofolat.
Có biểu hiện là chất chuyển hóa 5 – methyltetrahydrofolat được dự trữ ở thận hơn là 5 – formyl tetrahydrofolat (acid folinic).
Tác dụng của Folinat calci
Folinat calci (hay leucovorin calci) là dẫn chất của acid tetrahydrofolic, dạng khử của acid folic, là chất tham gia như một đồng yếu tố cho phản ứng chuyển vận một carbon trong sinh tổng hợp purin và pyrimidin của acid nucleic. Sự suy giảm tổng hợp thymidylat ở người thiếu hụt acid folic gây tổng hợp DNA khiếm khuyết và gây thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ. Do có thể dễ dàng biến đổi thành các dẫn chất khác của acid tetrahydrofolic nên acid folinic là chất giải độc mạnh cho tác dụng độc của các chất đối kháng acid folic (như methotrexat, pyrimithamin, trimethoprim) cả lên quá trình tạo máu lẫn trên lưới nội mô. Trong một số bệnh ung thư, acid folinic thâm nhập vào các tế bào và giải cứu các tế bào bình thường khỏi tác dụng độc của các chất đối kháng acid folic tốt hơn là các tế bào u, do đó sự khác nhau trong cơ chế chuyển vận qua màng. Nguyên lý này là cơ sở cho liệu pháp methotrexat liều cao phối hợp với giải cứu bằng acid folinic. Acid folinic có thể làm mất tác dụng điều trị và tác dụng độc của các chất đối kháng acid folic, các chất này ức chế enzym dihydrofolat reductase.
Chỉ định khi dùng Folinat calci
Phòng và điều trị ngộ độc do các chất đối kháng acid folic (thí dụ khi dùng liều cao methotrexat).
Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic.
Phối hợp với liệu pháp fluorouracil điều trị ung thư đại trực tràng muộn.
Cách dùng Folinat calci
Liều folinat calci biểu thị theo acid folinic.
Dự phòng và điều trị độc tính với hệ huyết học liên quan đến các chất đối kháng acid folic: để giải độc, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch folinat calci với liều tương đương với lượng các chất đối kháng đã dùng, càng sớm càng tốt ngay sau khi phát hiện vô ý quá liều (trong vòng giờ đầu tiên). Tiêm bắp acid folinic mỗi lần 6 – 12mg, cách 6 giờ một lần, tiêm 4 lần, để xử trí tác dụng phụ xảy ra khi dùng liều trung bình methotrexat.
Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ:
Dùng acid folinic 1mg/ngày, tiêm bắp, để điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu hụt acid folic.
Điều trị phối hợp với fluorouracil trong ung thư kết trực tràng muộn:
Dùng folinat calci theo một trong 2 phác đồ sau đây khi phối hợp với fluorouracil để điều trị ung thư đại trực tràng muộn:
Tiêm tĩnh mạch chậm acid folinic 200mg/m2 trong thời gian trên 3 phút, sau đó tiêm tĩnh mạch 5 – fluorouracil 370mg/m2.
Hoặc: tiêm tĩnh mạch chậm acid folinic 20mg/m2 sau đó tiêm tĩnh mạch 5 – fluorouracil 425mg/m2.
Folinat calci và fluorouracil cần tiêm riêng rẽ để tránh xảy ra kết tủa.
Với cả 2 phác đồ, hàng ngày điều trị như trên trong 5 ngày. Điều trị nhắc lại, sau các khoảng thời gian 4 tuần, thêm 2 đợt nữa như trên. Sau đó có thể nhắc lại phác đồ, với khoảng cách 4 – 5 tuần, với điều kiện là độc tính của đợt điều trị trước đã dịu đi.
Chú ý:
Trong liệu pháp giải cứu bằng acid folinic sau liệu pháp liều cao methotrexat, nếu xảy ra ngộ độc tiêu hóa, buồn nôn, nôn, thì nên dùng acid folinic đường tiêm.
Do nước pha tiêm kìm khuẩn có chứa cồn benzylic, nên khi dùng liều trên 10mg/m2 cần pha thuốc với nước pha tiêm vô khuẩn và sử dụng ngay. Do thuốc tiêm có chứa calci, nên không được tiêm tĩnh mạch folinat calci quá 160mg/phút (16ml dung dịch 10mg/ml hoặc 8ml dung dịch 20mg/ml mỗi phút).
Thận trọng khi dùng Folinat calci
Có nguy cơ tiềm ẩn khi dùng folinat calci cho người thiếu máu chưa được chẩn đoán vì thuốc có thể che lấp chẩn đoán thiếu máu ác tính và các thể thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ khác do thiếu vitamin B12. Các triệu chứng huyết học có thể giảm trong khi các biến chứng thần kinh lại tiến triển. Điều này có thể gây tổn hại nặng hệ thần kinh trước khi có chẩn đoán chính xác.
Chỉ các thầy thuốc có kinh nghiệm mới chỉ định dùng folinat calci phối hợp với methotrexat liều cao; mặc dù dùng liệu pháp giải cứu bằng acid folinic, phản ứng ngộ độc với methotrexat vẫn có thể xảy ra, đặc biệt khi nửa đời sinh học của methotrexat tăng (ví dụ suy thận). Vì vậy điều rất quan trọng là phải dùng folinat calci cho đến khi nồng độ methotrexat trong máu giảm xuống tới nồng độ không gây độc.
Folinat calci làm tăng độc tính của fluorouracil, nên liệu pháp phối hợp folinat calci và fluorouracil chỉ nên được các thầy thuốc có kinh nghiệm sử dụng. Cần kiểm tra công thức máu toàn bộ trước mỗi đợt điều trị, nhắc lại hàng tuần trong hai đợt đầu và một đợt điều trị, nhắc lại hàng tuần trong hai đợt đầu và một lần trong mỗi đợt tiếp theo, mỗi khi dùng liệu pháp phối hợp folinat calci và fluorouracil. Giảm liều fluorouracil ở người bệnh bị nhiễm độc vừa hoặc nặng về huyết học hoặc tiêu hóa. Ngừng liệu pháp khi số lượng bạch cầu giảm xuống 4000/mm3 và số lượng tiểu cầu là 13000/mm3. Liệu pháp phối hợp này cũng ngừng khi có chứng cớ rõ ràng là khối u phát triển. Có ý kiến cho rằng nguy cơ nhiễm độc đường tiêu hóa do fluorouracil có thể tăng do cùng phối hợp với folinat calci. Cần rất thận trọng khi dùng liệu pháp phối hợp này cho người cao tuổi và người bệnh suy nhược…
Thời kỳ mang thai:
Không biết hoặc chưa thấy có nguy cơ khi dùng folinat calci cho người mang thai. Chỉ dùng cho người mang thai khi thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú:
Không biết thuốc có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Nguy cơ tác dụng độc trên trẻ em bú mẹ chưa được rõ. Khi sử dụng thuốc này cần thận trọng khi cho con bú.
Chống chỉ định với Folinat calci
Dị ứng với acid folinic.
Thiếu máu ác tính và thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ khác do thiếu vitamin B12.
Tương tác thuốc của Folinat calci
Liều cao acid folic có thể làm mất tác dụng chống động kinh của phenobarbital, phenytoin và primidon và làm tăng số lần co giật ở bệnh nhi nhậy cảm.
Lượng nhỏ folinat calci dùng toàn thân vào dịch não tủy, chủ yếu dưới dạng 5 – methyltetrahydrofolat. Tuy nhiên, liều cao folinat calci có thể làm giảm tác dụng của methotrexat tiêm vào ống tủy sống.
Acid folinic làm tăng độc tính của 5 – fluorouracil.
Tác dụng phụ của Folinat calci
Folinat calci không gây độc ở liều điều trị mặc dù đã thấy tăng tiểu cầu ở người bệnh dùng folinat calci trong khi truyền động mạch methotrexat. Ngoài ra cũng đã gặp phản ứng quá mẫn, kể cả phản ứng dạng phản vệ và mày đay cả khi dùng đường uống lẫn đường tiêm. Folinat calci có thể làm tăng độc tính của fluorouracil dẫn đến làm tăng tỷ lệ một số tác dụng không mong muốn nào đó, tuy nhiên độc tính gây ra cũng chỉ như những tác dụng phụ chung do fluorouracil gây ra (xem thận trọng trong liệu pháp phối hợp với fluorouracil tại mục thận trọng ở trên và xem các mục thận trọng và tác dụng không mong muốn trong chuyên luận fluorouracil).
Hiếm gặp:
Sốt, mày đay.
Quá liều khi dùng Folinat calci
Biểu hiện: liều quá cao folinat caclci có thể vô hiệu hóa tác dụng hóa trị liệu của các chất đối kháng acid folic.
Xử trí: không có điều trị đặc hiệu.
Bảo quản Folinat calci
Bảo quản ở nhiệt độ phòng 20 – 25 độ C. Dung dịch trong nước vô khuẩn để tiêm cần phải dùng ngay sau khi pha.