Gonadotropin là những hormon điều hoà tuyến sinh dục do thuỳ trước tuyến yên tiết ra, gồm có FSH (hormon kích thích nang noãn) và LH (hormon hoàng thể hoá). Các Gonadotropin này kích thích hoạt động bình thường của tuyến sinh dục, tiết hormon sinh dục ở cả nam và nữ.
Dược động học của Gonadotropin
- Hấp thu: Do hoạt chất là polypeptid, nên các chất Gonadotropin này bị phá huỷ ở đường tiêu hoá do đó phải dùng dưới dạng tiêm. Sau khi tiêm bắp nồng độ thuốc tong huyết thanh tăng trong vòng 2 giờ, nồng độ đỉnh đạt được trong vòng 6 giờ và kéo dài khoảng 36 giờ. - Phân bố: Sau khi tiêm bắp thuốc phân bố chủ yếu vào tinh hoàn của nam và vào buồng trứng ở nữ, thuốc cũng có phân bố một lượng nhỏ vào các ống thận gần của vỏ thận. - Chuyển hoá: Sự chuyển hoá Gonadotropin người lúc mãn kinh chưa được xác định đầy đủ. - Thải trừ qua nước tiểu dưới dạng không đổi.
Tác dụng của Gonadotropin
Gonadotropin là những hormon điều hoà tuyến sinh dục do thuỳ trước tuyến yên tiết ra, gồm có FSH (hormon kích thích nang noãn) và LH (hormon hoàng thể hoá). Các Gonadotropin này kích thích hoạt động bình thường của tuyến sinh dục, tiết hormon sinh dục ở cả nam và nữ. Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường FSH kích thích phát triển và làm trưởng thành nang noãn và noãn. Khi nang phát triển sẽ tạo ra estrogen. Giữa chu kỳ kinh nguyệt estrogen kích thích giải phóng LH do đó gây vỡ nang kèm theo phóng noãn và chuyển nang thành hoàng thể tiết ra progesterol. Ở nam FSH có tác dụng tạo tinh trùng còn LH kích thích các tế bào kẽ của tinh hoàn tiết testosteron, để testosteron tác dụng trực tiếp lên ống sinh tinh. FSH bị ức chế bởi Inhibin, một pestid do tế bào Sertoli của ống sinh tinh tiết ra. Các chất Gonadotropin có hoạt tính LH và/hoặc FSH được dùng để điều trị các bệnh vô sinh, chủ yếu ở nữ nhưng cũng có ở nam. Các chất ấy gồm có: + Gonadotropin nhau thai người. Do nhau thai tiết ra và lấy được từ nước tiểu phụ nữ có thai. Chất này có hoạt tính LH. + Gonadotropin ở người mãn kinh tiết xuất tinh chế từ nước tiểu người sau mãn kinh chứa hoạt tính FSH và LH. + Urofollitropin chiết xuất từ nước tiểu phụ nữ sau mãn kinh có hoạt tính FSH. + Follitropin alfa và Follitropin bêta là hormon tái tổ hợp FSH ở người.
Chỉ định khi dùng Gonadotropin
Ở phụ nữ: Gây phóng noãn ở người vô sinh do không có hoặc có gona- dotropin nồng độ thấp (không phóng noãn thứ phát do suy tuyến yên và không phải do suy buồng trứng tiên phát); phối hợp với menotropin hoặc với clomifen citrat trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.Ở nam giới: Phối hợp với menotropin kích thích tạo tinh trùng ở người bị giảm gonadotropin tiên phát hoặc thứ phát đã được điều trị; tinh hoàn ẩn trước tuổi dậy thì không do tắc giải phẫu.
Cách dùng Gonadotropin
Thuốc chỉ dùng để tiêm bắp. Liều lượng tuỳ theo từng trường hợp, dựa trên tính chất bệnh, tuổi, thể trọng và đánh giá của thầy thuốc chuyên khoa. Dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Gây phóng noãn: Liều tuỳ theo từng người bệnh. Sau khi đã dùng menotropin trong 9 - 12 ngày thì phải xác định có nang noãn chín (bằng định lượng estrogen hoặc siêu âm). Khi đã có nang noãn chín thì 1 ngày sau liều menotropin cuối cùng, tiêm một liều HCG duy nhất 10.000 đơn vị. Không được dùng HCG khi buồng trứng to bất thường hoặc khi nồng độ estrogen trong nước tiểu cao trên 100 microgam/24 giờ. Tinh hoàn ẩn trước tuổi dậy thì: 4000 đơn vị; 2 - 3 lần mỗi tuần trong 3 tuần; hoặc 5000 đơn vị 2 ngày một lần cho 4 liều; hoặc 500 đơn vị, 3 lần/tuần trong 4 - 6 tuần và nếu không có hiệu quả thì dùng liều 1000 đơn vị theo phác đồ trên. Suy tuyến sinh dục do thiếu gonadotropin (do suy tuyến yên): 500 - 1000 đơn vị, 3 lần mỗi tuần trong 3 tuần, tiếp theo vẫn liều trên mỗi tuần 2 lần trong 3 tuần; hoặc 4000 đơn vị mỗi tuần 3 lần trong 6 - 9 tháng, tiếp theo cho liều 2000 đơn vị mỗi tuần 3 lần trong 3 tháng Kích thích tạo tinh trùng: Điều trị trước bằng HCG với liều 5000 đơn vị, mỗi tuần 3 lần cho đến khi đạt được nồng độ testosteron huyết thanh bình thường và có dấu hiệu nam tính hoá. Quá trình này có thể dài 4 - 6 tháng. Sau đó bắt đầu dùng menotropin. Tác dụng không mong muốn Phản ứng tại chỗ, đau ở chỗ tiêm; buồn nôn; nôn; buồng trứng to; đau vùng chậu, vú cương đau; đa thai; ỉa chảy; tràn dịch màng bụng, màng phổi, màng tim; máu bị cô đặc; máu dễ đông; huyết khối gây nghẽn động mạch. Xử trí ADR: Cần theo dõi kích thước buồng trứng để điều chỉnh liều hoặc ngừng thuốc; ngừng thuốc khi thấy có dấu hiệu dậy thì sớm ở nam; phải mổ nếu bị tràn máu ổ bụng do vỡ nang.
Thận trọng khi dùng Gonadotropin
Bị hen; co giật; đau nửa đầu; bệnh tim; bệnh thận; con trai trước tuổi dậy thì; suy tuyến giáp; suy thượng thận; tăng prolactin máu; u tuyến yên (phải điều trị trước các bệnh này); mang thai; cho con bú .
Chống chỉ định với Gonadotropin
Trẻ em dậy thì sớm; carcinoma tuyến tiền liệt; các khối u phụ thuộc androgen; dị ứng với thuốc; mang thai; buồng trứng bị kích thích quá do FSH
Tương tác thuốc của Gonadotropin
Chưa có số liệu được biết về tương tác thuốc.
Tác dụng phụ của Gonadotropin
- Thường gặp: + Toàn thân: phản ứng tại chỗ kèm đau, phát ban ở da, sưng hoặc kích ứng tại chỗ tiêm. + Nội tiết: buồng trứng to từ nhẹ đến vừa, u nang buồng trứng, đau vùng chậu, vú cương đau, đa thai. + Tiêu hoá: buồn nôn, nôn. - Ít gặp: Quá kích thích buồng trứng kèm các triệu chứng thường gặp ở trên, cộng thêm ỉa chảy, cổ trướng, tràn dịch màng phổi, máu cô đặc, nguy cơ đột quỵ, nghẽn mạch và huyết khối. - Hiếm gặp: Huyết khối nghẽn động mạch.
Quá liều khi dùng Gonadotropin
Quá liều có thể giữ nước trong cơ thể hoặc dậy thì sớm ở trẻ em nam. Cần dùng các thuốc ngay khi quá liều, không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bảo quản Gonadotropin
Bảo quản ở nhiệt độ 15 - 30 oC. Sau khi pha với dung môi và được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 15 oC, dung dịch thuốc bền vững trong 30 - 90 ngày, tuỳ thuộc vào cách bào chế.