Huyền sâm

Tác dụng của Huyền sâm

Người ta dùng cây huyền sâm để làm thuốc lợi tiểu bằng cách thúc đẩy quá trình sản xuất nước tiểu. Đôi khi huyền sâm còn được dùng để bôi trực tiếp lên da để chữa bệnh chàm, ngứa, bệnh vảy nến, bệnh trĩ, sưng và phát ban.

Một số người dùng cây huyền sâm để thay cho cây vuốt quỷ vì tác dụng của hai loại cây khá giống nhau.

Hiện nay, vẫn chưa có đủ nghiên cứu về tác dụng của loại thuốc này. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đã có vài nghiên cứu cho thấy huyền sâm có chứa các chất có tác dụng chống viêm.

Cách dùng Huyền sâm

Liều dùng cây thuốc này tùy thuộc vào dạng bào chế:

  • Chiết xuất chất lỏng: 2-8 ml (pha với nước tỷ lệ 1:1), dùng hàng ngày;
  • Thuốc sắc: dùng 2-8 g cây thuốc hàng ngày;
  • Rượu thuốc: 2-4 ml (pha với nước tỷ lệ 1:5), dùng hàng ngày.

Liều dùng của cây huyền sâm có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi của bạn, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Cây huyền sâm có thể không an toàn. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ của bạn để tìm ra liều dùng thích hợp.

Cây thuốc, vị thuốc này có thể có những dạng bào chế như:

  • Chiết xuất chất lỏng;
  • Thuốc đắp;
  • Rượu thuốc.
Tác dụng phụ của Huyền sâm

Cây huyền sâm có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Nhịp tim giảm, ngừng tim;
  • Buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, tiêu chảy;
  • Phản ứng mẫn cảm.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ của bạn.