Natri picosulfate

Nhóm thuốc
Thuốc đường tiêu hóa
Thành phần
Natri picosulfat
Dạng bào chế
Thuốc nước uống theo giọt, viên nén nhai
Dược lực của Natri picosulfate
Là thuốc nhuận tràng.
Dược động học của Natri picosulfate
Tác dụng của thuốc thường xuất hiện sau từ 10-14 giờ.
Natri picosulfat được chuyển hoá nhờ các vi khuẩn đường ruột thành một chất vẫn có hoạt tính là bis (p - hydroxyphenyl) - 2 - pyridylmethan và được đào thải qua phân.
Tác dụng của Natri picosulfate
Natri picosulfat là thuốc kích thích nhuận tràng giống như bisacodyl, dùng để điều trị táo bón và để thụt tháo đại tràng trước khi chụp chiếu hay phẫu thuật đại tràng. Sau khi uống, thuốc kích thích nhu động ruột sau khi được vi khuẩn đường ruột chuyển hoá. Các sản phẩm chuyển hoá tác động lên các thụ thể hoá học của các nơron trong thành ruột, gây ức chế hấp thu nước từ lòng ruột do đó làm thể tích phân tăng và kích thích nhu động ruột. Tác dụng thường xuất hiện chỉ sau 3 giờ.
Chỉ định khi dùng Natri picosulfate
Điều trị táo bón: chuẩn bị cho chụp hay phẫu thuật đại tràng.
Cách dùng Natri picosulfate
Để điều trị táo bón:
+ Người lớn: uống một liều từ 5 đến 15 mg, trước khi đi ngủ.
+ Trẻ em 2 - 5 tuổi: uống một liều 2,5 mg trước khi đi ngủ.
+ Trẻ em từ 5 đến 10 tuổi: uống một liều 2,5 đến 5 mg trước khi đi ngủ.
Rửa tháo ruột: uống một liều natri picosulfat 10 mg cùng với magnesi citrat vào buổi sáng, và uống thêm một liều nữa vào buổi chiều hôm trước ngày thăm khám hoặc mổ.
Thận trọng khi dùng Natri picosulfate
Thận trọng khi có viêm nhiễm đường ruột: tránh dùng kéo dài, không dùng natri picosulfat và magnesi citrat khi người bệnh nghi có giãn đại tràng do ngộ độc, dùng thuốc kéo dài hay quá liều có thể gây iả chảy, mất nhiều nước và rối loạn điện giải, đặc biệt là kali, có thể bị liệt đại tràng do mất trương lực.
Không nên dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Chống chỉ định với Natri picosulfate
Người bệnh bị tắc ruột, người bệnh bị đau bụng mà chưa có chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ cần can thiệp ngoại khoa cấp cứu.
Tương tác thuốc của Natri picosulfate
Tránh phối hợp với các thuốc có thể gây xoắn đỉnh: bepridil, sotalol, amiodaron, vincamin.
Thận trọng khi dùng các thuốc sau đây cùng với natri picosulfat: digitalis (hạ kali huyết có thể gây tăng độc tính của digitalis), corticoid, thuốc lợi tiểu thải kali (tăng nguy cơ hạ kali huyết do tác dụng hiệp đồng).
Những trường hợp này nên dùng thuốc nhuận tràng khác.
Tác dụng phụ của Natri picosulfate
Thường gặp: đau bụng (đau thắt đại tràng), ỉa chảy, hạ kali máu.
Hiếm gặp: ngoại ban.
Bảo quản Natri picosulfate
Bảo quản thuốc trong bao bì kín.