Ngay từ thời Ai Cập cổ đại, con người đã biết tận dụng những lợi ích sức khỏe tuyệt vời từ quế. Không chỉ giúp hạ đường huyết sau bữa ăn, quế còn là vị thuốc cực kỳ hữu ích đối với nhiều chứng bệnh.
Cây quế là loài thực vật thuộc chi Cinnamomum, vỏ cây, vỏ cành có vị cay, có mùi thơm nồng. Người ta khai thác vỏ của thân, cành cây quế để làm thuốc trong Đông y, làm gia vị, làm thảo mộc dưỡng da… Lá của cây quế có thể được dùng để chưng cất tinh dầu. Gỗ quế được dùng làm đồ mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất…
Trong kinh doanh và theo kinh nghiệm của dân gian, tên thương phẩm của vỏ quế được gọi theo vị trí vỏ trên cây. Đây cũng là một tiêu chí làm căn cứ đánh giá chất lượng quế. Vỏ ở gốc gọi là quế hạ căn, vỏ ở thân chính là quế thượng châu (loại quế tốt nhất), vỏ ở cành to là quế thương biểu và cành nhỏ là quế chi.
Ở Việt Nam, quế Trà My (Quảng Nam) được xem là loại quế có chất lượng tốt nhất. Quế Trà My có hàm lượng chất aldehyde cinnamic cao. Đây là một chất có đặc tính kháng khuẩn, kích thích nơron thần kinh, cải thiện sự trao đổi chất…
Trên thị trường thế giới, quế của Sri Lanka được đánh giá là loại quế tốt nhất, được xem là quế quan hay quế thực sự.
Quế được sử dụng để chống nấm, giảm đau và sát trùng, điều trị tiêu chảy, cảm lạnh, đau bụng, tăng huyết áp, mất cảm giác ngon miệng và viêm phế quản. Loại thảo mộc này cũng được dùng để điều trị xuất huyết nội.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng quế có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người bị bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu về tác dụng hạ cholesterol và trị nhiễm trùng nấm ở người nhiễm HIV không cho kết quả tích cực.
Cũng có các nghiên cứu cho rằng quế có thể giúp giảm viêm, chống oxy hóa và chống lại vi khuẩn. Tuy nhiên, các kết quả này chưa được ứng dụng cho việc chữa bệnh ở người.
Hiện nay, vẫn chưa có đủ nghiên cứu về cơ chế hoạt động của quế đối với sức khỏe con người. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Có một số nghiên cứu cho thấy quế có thể chống lại các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp. Vỏ quế có khả năng giảm lượng đường cho người bệnh đái tháo đường khi dùng cùng với thuốc streptozocin.
Vị thuốc thảo dược này có thể có những dạng bào chế như: vỏ cây khô, tinh dầu lá quế, chiết xuất chất lỏng, bột quế, rượu quế, trà quế.
Liều dùng loại thảo dược này sẽ khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác của người sử dụng. Quế có thể không an toàn với bạn hoặc một vài người. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người trưởng thành có thể dùng 1 – 1,5g bột quế/ngày mà không gặp tác dụng phụ hoặc dị ứng. Bạn có thể dùng loại thảo dược này kết hợp với mật ong để tận dụng tối đa các lợi ích sức khỏe của chúng.
Việc dùng loại thảo dược này có thể khiến bạn gặp một số tác dụng phụ như:
Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.