Streptozocin

Nhóm thuốc
Thuốc chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch
Tác dụng của Streptozocin

Streptozocin là một loại thuốc trị ung thư gây cản trở sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư trong cơ thể. Streptozocin được sử dụng để điều trị bệnh ung thư tuyến tụy.

Ngoài ra, streptozocin cũng có thể được sử dụng cho các mục đích khác không được liệt kê trong bảng hướng dẫn sử dụng thuốc này.

Streptozocin được tiêm vào tĩnh mạch thông qua một ống tiêm tĩnh mạch. Nhân viên y tế sẽ tiêm thuốc cho bạn.

Streptozocin có thể làm giảm lượng tế bào máu giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng và giúp làm đông máu. Bạn sẽ cần phải xét nghiệm máu thường xuyên. Việc điều trị bệnh ung thư có thể bị trì hoãn do kết quả xét nghiệm máu.

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Cách dùng Streptozocin

Truyền tĩnh mạch 500 mg/m2 bằng phương pháp tiêm nhanh hoặc truyền dịch kéo dài/chậm một lần mỗi ngày trong vòng 5 ngày liên tiếp sau mỗi 6 tuần cho đến khi đạt được hiệu quả tối đa hoặc mức giới hạn độc tính điều trị của thuốc. Bạn cũng không nên tăng liều lượng thuốc khi áp dụng chế độ điều trị này.

Ngoài ra, bạn có thể truyền tĩnh mạch 1000 mg/m2 bằng phương pháp tiêm nhanh hoặc thực hiện việc truyền dịch kéo dài/chậm hàng tuần trong vòng 2 tuần đầu tiên. Sau đó, bạn có thể tăng liều lượng thuốc không được vượt quá liều đơn là 1500 mg/m2 dịch truyền tĩnh mạch ở những bệnh nhân không có đáp ứng điều trị và không bị nhiễm độc tính nặng ở những đợt điều trị trước đó.

Liều dùng cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và quyết định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ.

Thuốc streptozocin có dạng và hàm lượng là: thuốc bột pha tiêm 1 g.

Thận trọng khi dùng Streptozocin

Khi quyết định sử dụng thuốc, bạn và bác sĩ cần thảo luận để cân nhắc nguy cơ và lợi ích thuốc mang lại. Đối với thuốc này, bạn cần xem xét những điều sau đây:

Dị ứng

Thông báo với bác sĩ nếu bạn đã từng mắc phải bất kỳ phản ứng bất thường hoặc dị ứng nào đối với thuốc này hoặc bất kỳ các loại thuốc nào khác. Hơn nữa, thông báo với bác sĩ nếu bạn mắc phải bất kỳ các dạng dị ứng nào khác, như dị ứng với thức ăn, thuốc nhuộm, chất bảo quản, hoặc với động vật. Đối với các sản phẩm thuốc không kê toa, hãy đọc kỹ các thành phần trên nhãn thuốc hoặc trên bao bì sản phẩm.

Trẻ em

Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về việc sử dụng streptozocin ở trẻ em so với việc dùng streptozocin ở các lứa tuổi khác.

Người cao tuổi

Nhiều loại thuốc hiện vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể trên người lớn tuổi. Vì thế, không thể biết được rằng các loại thuốc này có tác dụng ở người lớn tuổi giống như có tác dụng ở người trẻ hay không hoặc chúng có gây ra các tác dụng phụ hoặc vấn đề khác ở người già hay không. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể nào về việc sử dụng streptozocin ở người lớn tuổi so với việc dùng streptozocin ở các lứa tuổi khác.

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc này thuộc nhóm thuốc D đối với thai kỳ. Bạn có thể tham khảo bảng phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai dưới đây:

  • A = Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.
Tương tác thuốc của Streptozocin

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Không khuyến khích bạn sử dụng thuốc này với các loại thuốc sau. Bác sĩ có thể quyết định không điều trị bằng thuốc này, hoặc thay đổi một vài loại thuốc mà bạn được chỉ định.

  • Vắc xin virus rota, sống.

Sử dụng thuốc này với các loại thuốc sau không được đề nghị, nhưng đôi khi có thể sử dụng trong vài trường hợp. Nếu cả 2 loại thuốc được kê đơn cùng nhau, bác sĩ có thể hiệu chỉnh liều và khoảng cách liều của cả 2 thuốc.

  • Vắc xin virus Adeno loại 4, sống;
  • Vắc xin virus Adeno loại 7, sống;
  • Vắc xin ngừa bệnh lao Bacillus of Calmette and Guerin, sống;
  • Vắc xin virus cúm, sống;
  • Vắc xin virus sởi, sống;
  • Vắc xin virus quai bị, sống;
  • Vắc xin virus Rubella, sống;
  • Vắc xin phòng bệnh đậu mùa;
  • Vắc xin phòng bệnh thương hàn;
  • Vắc xin virus Varicella;
  • Vắc xin phòng bệnh sốt vàng.

Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Bệnh thủy đậu (bao gồm việc tiếp xúc gần đây);
  • Bệnh zona – nguy cơ mắc chứng bệnh nghiêm trọng có ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể;
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2 – dùng thuốc này có thể bệnh trở nặng hơn;
  • Bệnh nhiễm trùng – streptozocin có thể làm suy giảm khả năng kháng khuẩn của cơ thể;
  • Bệnh thận;
  • Bệnh gan – ảnh hưởng của thuốc streptozocin có thể tăng lên do quá trình đào thải của thuốc ra khỏi cơ thể diễn ra chậm hơn.
Tác dụng phụ của Streptozocin

Nếu bạn gặp phải bất kỳ các tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây từ streptozocin, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức hoặc đi cấp cứu:

  • Phản ứng dị ứng (phát ban; khó thở; nghẹn cổ họng; sưng phù ở mặt, môi, lưỡi);
  • Tổn thương thận (ít nước tiểu hoặc vô niệu, có máu trong nước tiểu);
  • Các vấn đề về gan (thay đổi trong kết quả xét nghiệm máu, đau bụng, vàng da hoặc mắt, biếng ăn, buồn nôn);
  • Suy giảm chức năng tủy xương và các vấn đề về máu (chứng mệt mỏi ở mức độ nặng; dễ thâm tím hoặc chảy máu; phân có màu đen, có máu hoặc giống như hắc ín; hoặc sốt, ớn lạnh hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng);
  • Buồn nôn nặng, nôn mửa, biếng ăn hoặc tiêu chảy;
  • Trong một số trường hợp, bệnh ung thư thứ phát có thể xuất hiện trong và sau quá trình điều trị bằng thuốc streptozocin. Thông báo với bác sĩ về các lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng thuốc này.

Mặt khác, các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn có nhiều khả năng xuất hiện hơn. Tiếp tục dùng streptozocin và thông báo với bác sĩ nếu bạn mắc phải:

  • Buồn nôn nhẹ, nôn mửa, biếng ăn, hoặc tiêu chảy;
  • Buồn ngủ;
  • Lú lẫn;
  • Trầm cảm;
  • Sưng phù, mẫn đỏ, nóng rát, hoặc nhạy cảm đau ở nơi tiêm thuốc.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Quá liều khi dùng Streptozocin

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Vì bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên viên y tế sẽ chỉ định và theo dõi quá trình bạn sử dụng thuốc, trường hợp quá liều khó có thể xảy ra.