YSP Polynase

Nhóm thuốc
Thuốc tác dụng trên đường hô hấp
Thành phần
Dexchlorpheniramine, Pseudoephedrine
Dạng bào chế
Si rô
Dạng đóng gói
Chai 60ml
Hàm lượng
60ml
Sản xuất
Y.S.P Industries (M) Sdn - MA LAI XI A
Đăng ký
Y.S.P Industries (M) Sdn - MA LAI XI A
Số đăng ký
VN-10416-05
Chỉ định khi dùng YSP Polynase
Làm giảm tạm thời các triệu chứng của cảm lạnh & dị ứng, bao gồm ho do đau họng & do kích thích phế quản; sổ mũi; nghẹt mũi; hắt hơi; ngứa mũi hoặc hầu họng; ngứa mắt & chảy nước mắt.
Cách dùng YSP Polynase
- Trẻ - Trẻ 2 - 6 tuổi: 1 muỗng cà phê/6 giờ.
- Trẻ 6 - 12 tuổi: 2 muỗng cà phê/6 giờ.
- Người lớn & trẻ > 12 tuổi: 4 muỗng cà phê/6 giờ. Không quá 4 liều/ngày.
Chống chỉ định với YSP Polynase
Quá mẫn với thành phần thuốc. Bệnh nhân đang dùng IMAO.
Tương tác thuốc của YSP Polynase
Kiêng các thức uống có cồn.
Tác dụng phụ của YSP Polynase
Hiếm gặp: phát ban da, ban đỏ hoặc mề đay. Cảm giác bồn chồn hoặc chóng mặt, bứt rứt, buồn ngủ.
Đề phòng khi dùng YSP Polynase
Ho có đàm nhiều, ho dai dẳng hay mãn tính do hút thuốc lá, do hen hoặc khí phế thũng. Bệnh tim, tăng HA, cường giáp, tiểu đường, tăng nhãn áp, viêm phế quản mãn, tiểu khó do phì đại tuyến tiền liệt. Ðang dùng các thuốc ngủ hoặc an thần. Người Khi lái xe & vận hành máy, phụ nữ có thai & cho con bú không dùng.

Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Dexchlorpheniramine

Nhóm thuốc
Thuốc chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn
Thành phần
Dexchlorpheniramine maleate
Dược lực của Dexchlorpheniramine
Dexchlorpheniramine là thuốc kháng histamin đường uống, có cấu trúc propylamin.
Dược động học của Dexchlorpheniramine
- Hấp thu: Dexchlorpheniramine có sinh khả dụng vào khoảng 25-50% do bị chuyển hóa đáng kể khi qua gan lần đầu. Thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu sau 2-6 giờ. Hiệu lực tối đa đạt được sau khi uống thuốc 6 giờ. Thời gian tác động từ 4-8 giờ.
- Phân bố: Tỷ lệ gắn kết với protein huyết tương là 72%.
- Chuyển hoá: Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan và tạo ra chất chuyển hóa được loại gốc methyl, chất này không có hoạt tính. Thuốc chủ yếu được đào thải qua thận và tùy thuộc vào pH nước tiểu, 34% dexchlorpheniramine được bài tiết dưới dạng không đổi và 22% dưới dạng chất chuyển hóa loại gốc methyl.
- Thải trừ: Thời gian bán hủy từ 14-25 giờ.
Dược động học trong những trường hợp đặc biệt:
- Suy gan hay suy thận làm tăng thời gian bán hủy của dexchlorpheniramine.
- Dexchlorpheniramine qua được nhau thai và sữa mẹ.
Tác dụng của Dexchlorpheniramine
Tác dụng an thần ở liều thông thường do tác động kháng histamin và ức chế adrenalin ở thần kinh trung ương;
Tác dụng kháng cholinergic là nguồn gốc gây ra tác dụng ngoại ý ở ngoại biên;
Tác dụng ức chế adrenalin ở ngoại biên có thể ảnh hưởng đến động lực máu (có thể gây hạ huyết áp tư thế).
Các thuốc kháng histamin có đặc tính chung là đối kháng, do đối kháng tương tranh ít nhiều mang tính thuận nghịch, với tác dụng của histamin, chủ yếu trên da, mạch máu và niêm mạc ở kết mạc, mũi, phế quản và ruột.
Bản thân các kháng histamin có tác động chống ho nhẹ nhưng khi được dùng phối hợp sẽ làm tăng tác động của các thuốc ho nhóm morphin cũng như của các thuốc giãn phế quản khác như các amin giao cảm.
Chỉ định khi dùng Dexchlorpheniramine
Ðiều trị triệu chứng các biểu hiện dị ứng khác nhau: viêm mũi (theo mùa hay quanh năm), viêm kết mạc, mề đay.
Cách dùng Dexchlorpheniramine
Viên 2mg:
Dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
- Trẻ em từ 6-12 tuổi: 1/2 viên, ngày 2-3 lần.
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 1 viên, ngày 3-4 lần.
Các liều cách nhau ít nhất 4 giờ.
Viên 6mg:
Dùng cho người lớn và trẻ em trên 15 tuổi.
1 viên, ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.
Thời gian điều trị phải ngắn, nên bắt đầu điều trị vào buổi tối do thuốc có thể gây buồn ngủ.
Thận trọng khi dùng Dexchlorpheniramine
Chú ý đề phòng:
Nếu sau một thời gian điều trị mà các triệu chứng dị ứng vẫn còn hoặc nặng lên (khó thở, phù, sang thương da...) hoặc có những dấu hiệu có liên quan đến nhiễm virus, cần phải đánh giá lại việc điều trị.
Thận trọng lúc dùng:
Thận trọng khi chỉ định dexchlorpheniramine cho:
- bệnh nhân lớn tuổi có khả năng cao bị hạ huyết áp tư thế, bị chóng mặt, buồn ngủ; bị táo bón kinh niên (do có nguy cơ bị tắc ruột liệt); bị sưng tuyến tiền liệt;
- bệnh nhân bị suy gan và/hay suy thận nặng, do có nguy cơ tích tụ thuốc.
Tuyệt đối tránh uống rượu hay các thuốc có chứa rượu trong thời gian điều trị.
Lái xe và vận hành máy móc:
Cần thông báo cho người phải lái xe hay vận hành máy móc về khả năng bị buồn ngủ khi dùng thuốc, nhất là trong thời gian đầu. Hiện tượng này càng rõ hơn nếu dùng chung với các thức uống hay các thuốc khác có chứa rượu. Nên bắt đầu điều trị vào buổi tối.
LÚC CÓ THAI VÀ LÚC NUÔI CON BÚ
Lúc có thai:
Khảo sát về tác dụng gây dị dạng (trong 3 tháng đầu):
Các nghiên cứu thực hiện trên động vật không cho thấy thuốc có tác động gây quái thai. Trên lâm sàng, các nghiên cứu dịch tễ học đã dường như loại ra khả năng gây dị dạng của dexchlorpheniramine.
Khảo sát về độc tính trên phôi thai (trong 3 tháng thứ hai và 3 tháng cuối):
Ở trẻ sơ sinh có mẹ được điều trị dài hạn với liều cao các thuốc có đặc tính kháng cholinergic, các dấu hiệu về tiêu hóa có liên quan đến tác dụng giống atropine (căng bụng, tắc ruột phân su, chậm đi tiêu phân su, nhịp tim nhanh, rối loạn thần kinh...) hiếm khi được ghi nhận.
Dựa trên các dữ liệu trên, thuốc này có thể được kê toa cho phụ nữ có thai ở 3 tháng đầu và 3 tháng thứ nhì của thai kỳ; phải cân nhắc và chỉ kê toa khi cần thiết ở 3 tháng cuối và chỉ kê toa ngắn hạn. Nếu dùng thuốc vào cuối thai kỳ, phải theo dõi chức năng thần kinh và tiêu hóa của trẻ sơ sinh một thời gian.
Lúc nuôi con bú:
Thuốc qua được sữa mẹ với một lượng nhỏ. Do có đặc tính gây an thần, không nên dùng thuốc này trong khi cho con bú.
Chống chỉ định với Dexchlorpheniramine
Tuyệt đối:
- Quá mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc.
- Có nguy cơ bị bí tiểu liên quan đến rối loạn niệu đạo tuyến tiền liệt.
- Có nguy cơ bị glaucome góc đóng.
- Viên nén dễ bẻ hàm lượng 2mg chống chỉ định cho trẻ em dưới 6 tuổi do đặc điểm của dạng bào chế.
- Viên 6mg chống chỉ định cho trẻ em dưới 15 tuổi.
Tương đối:
- Phụ nữ có thai.
Tương tác thuốc của Dexchlorpheniramine
Không nên phối hợp:
- Rượu: làm tăng tác dụng an thần của thuốc kháng histamin H1. Việc giảm tập trung và tỉnh táo có thể gây nguy hiểm khi lái xe hay vận hành máy móc. Tránh uống rượu và các thức uống có chứa rượu trong thời gian dùng thuốc.
Nên lưu ý khi phối hợp:
- Các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác (thuốc giảm đau và chống ho họ morphine, thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần, thuốc ngủ nhóm benzodiazepines, nhóm barbiturat, clonidine và các thuốc cùng họ, thuốc ngủ, methadone, thuốc an thần kinh, thuốc giải lo): tăng ức chế thần kinh trung ương. Việc giảm tập trung và tỉnh táo có thể gây nguy hiểm khi lái xe hay vận hành máy móc.
- Atropine và các thuốc có tác động giống atropine (thuốc chống trầm cảm nhóm imipramine, thuốc chống liệt rung có tác động kháng cholinergic, thuốc chống co thắt có tác động giống atropine, disopyramide, thuốc an thần kinh nhóm phenothiazine): tăng các tác dụng ngoại ý của nhóm atropine như gây bí tiểu, táo bón, khô miệng.
Tác dụng phụ của Dexchlorpheniramine
Các đặc tính dược lý của dexchlorpheniramine cũng là nguyên nhân của một số tác dụng ngoại ý với nhiều mức độ khác nhau và có hay không có liên quan đến liều dùng.
Tác dụng trên thần kinh thực vật:
- Thiu thiu hoặc buồn ngủ, nhất là vào thời gian điều trị đầu.
- Tác động kháng cholinergic làm khô niêm mạc, rối loạn điều tiết, giãn đồng tử, tim đập nhanh, nguy cơ bí tiểu.
- Hạ huyết áp tư thế.
- Rối loạn cân bằng, chóng mặt, giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung.
- Mất điều hòa vận động, run rẩy, thường xảy ra hơn ở người lớn tuổi.
- Lẫn, ảo giác.
- Hiếm hơn, chủ yếu ở nhũ nhi, có thể gây kích động, cáu gắt, mất ngủ.
Phản ứng quá mẫn cảm:
- Nổi ban, eczema, ngứa, ban xuất huyết, mề đay.
- Phù, hiếm hơn có thể gây phù Quincke.
- Sốc phản vệ.
Tác dụng trên máu: giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, thiếu máu huyết giải.
Quá liều khi dùng Dexchlorpheniramine
Dấu hiệu quá liều của dexchlorpheniramine: co giật (nhất là ở nhũ nhi và trẻ em); rối loạn nhận thức, hôn mê.
Ðiều trị triệu chứng ở bệnh viện.

Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Pseudoephedrine

Nhóm thuốc
Thuốc dùng điều trị mắt, tai mũi họng
Thành phần
Pseudoephedrine hydrochloride
Dược lực của Pseudoephedrine
Pseudoephedrine hydrochloride một trong những alcaloide tự nhiên của ephedra và là một chất làm co mạch dùng theo đường uống tạo ra tác dụng chống sung huyết từ từ nhưng kéo dài giúp làm co niêm mạc bị sung huyết ở đường hô hấp trên.
Tác dụng của Pseudoephedrine
Cơ chế tác dụng của pseudoephedrine là làm giảm sung huyết thông qua tác động thần kinh giao cảm.
Pseudoephedrinecó tác động giống giao cảm gián tiếp và trực tiếp, và là một chất làm giảm sung huyết hữu hiệu ở đường hô hấp trên. Pseudoephedrine yếu hơn rất nhiều so với ephedrine về những tác dụng làm nhịp tim nhanh, tăng huyết áp tâm thu cũng như gây kích thích hệ thần kinh trung ương.
Chỉ định khi dùng Pseudoephedrine
Giảm các triệu chứng đi kèm với viêm mũi dị ứng và chứng cảm lạnh thông thường bao gồm nghẹt mũi, hắt hơi, chảy mũi, ngứa và chảy nước mắt.
Cách dùng Pseudoephedrine
Hiện nay thuốc chủ yếu có trong các thuốc phối hợp điều trị các bệnh tai mũi họng.
Nên liều dùng và cách dùng tùy thuộc vào từng loại thuốc phối hợp.
Thận trọng khi dùng Pseudoephedrine
Nên thận trọng khi sử dụng các thuốc giống giao cảm cho bệnh nhân glaucome, loét dạ dày gây hẹp môn vị, nghẽn môn vị tá tràng, phì đại tuyến tiền liệt, tắc nghẽn cổ bàng quang, bệnh tim mạch, tăng nhãn áp hay tiểu đường.
Nên cẩn thận khi sử dụng các thuốc giống giao cảm ở bệnh nhân đang dùng digitalis.
Các thuốc giống giao cảm có thể làm kích thích hệ thần kinh trung ương, kích động, co giật và/hoặc trụy tim mạch đi kèm với hạ huyết áp.
Pseudoephedrine hydrochloride giống như các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương khác, có gây nghiện. Với liều cao, các đối tượng thường có cảm giác bay bổng, giảm ngon miệng và cảm giác gia tăng năng lực thể chất, khả năng tinh thần và cảnh giác thần kinh. Sử dụng tiếp tục các thuốc kích thích thần kinh trung ương khác sẽ gây lờn thuốc. Ngưng thuốc đột ngột có thể gây trầm cảm.
Sử dụng cho trẻ em:
Chưa xác định được tính an toàn và hữu hiệu của thuốc ở trẻ em dưới 12 tuổi.
Sử dụng cho người già :
Ở bệnh nhân trên 60 tuổi, các thuốc giống giao cảm có khả năng xảy ra tác dụng phụ nhiều hơn, như gây lẫn lộn, ảo giác, co giật, ức chế hệ thần kinh trung ương và tử vong. Do đó, cần cẩn thận khi dùng chế phẩm có chứa chất này cho bệnh nhân lớn tuổi.
LÚC CÓ THAI và LÚC NUÔI CON BÚ
Chưa xác định được tính an toàn khi sử dụng pseudoephedrine trong thai kỳ. Do đó chỉ nên dùng thuốc khi lợi ích cao hơn nguy cơ có thể xảy ra cho bào thai.
Do pseudoephedrine hydrochloride được tiết qua sữa, nên cân nhắc quyết định ngưng cho con bú hay ngưng dùng các chế phẩm có chứa thành phần này.
Chống chỉ định với Pseudoephedrine
Bệnh nhân đang dùng thuốc IMAO.
Bệnh nhân glaucome góc hẹp.
Bí tiểu
Cao huyết áp nặng,
Bệnh động mạch vành nặng và cường giáp.
Tương tác thuốc của Pseudoephedrine
Khi dùng thuốc giống giao cảm cho những bệnh nhân đang sử dụng IMAO, phản ứng tăng huyết áp, bao gồm cơn tăng huyết áp có thể xuất hiện. Tác dụng hạ huyết áp của methyldopa, mecamylamine, reserpine và các alcaloide veratrum có thể bị giảm đi do các thuốc giống giao cảm. Các tác nhân ức chế b-adrenergic cũng có thể tương tác với các thuốc giống giao cảm. Sự gia tăng tác động pacemaker (điều nhịp) lạc chỗ khi pseudoephedrine dùng đồng thời với digitalis.
Các thuốc kháng acide làm gia tăng tốc độ hấp thu pseudoephedrine ; kaolin làm giảm tốc độ hấp thu pseudoephedrine.
In vitro, sự thêm pseudoephedrine vào huyết thanh chứa isoenzyme MB của tim hay creatine phosphokinase huyết thanh ức chế dần dần tác động của enzyme. Ức chế hoàn toàn sau 6 giờ.
Tác dụng phụ của Pseudoephedrine
Tác dụng phụ hiếm gặp: gồm lo lắng, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, chán ăn, khát nước, tim nhanh, viêm họng, viêm mũi, mụn nhọt, ngứa ngáy, nổi ban, mày đay, đau khớp, lú lẫn, khàn tiếng, tăng vận động, giảm cảm giác, giảm tình dục, dị cảm, rung rẩy, chóng mặt, đỏ bừng mặt, hạ huyết áp thế đứng, tăng tiết mồ hôi, đau mắt, đau tai, ù tai, bất thường vị giác, kích động, lãnh đạm, trầm cảm, sảng khoái, ác mộng, tăng cảm giác ngon miệng, thay đổi thói quen ở ruột, khó tiêu, ợ hơi, trĩ, lưỡi mất màu, đau lưỡi, nôn mửa, bất thường thoáng qua chức năng gan, mất nước, tăng cân, cao huyết áp, đánh trống ngực, đau nửa đầu, co thắt phế quản, ho, khó thở, chảy máu cam, nghẹt mũi, chảy mũi, kích ứng mũi, mất tiểu, khó tiểu gây đau, tiểu đêm, đa niệu, bí tiểu, suy nhược, đau lưng, co thắt chân, khó ở và chuột rút.
Quá liều khi dùng Pseudoephedrine
Khi có quá liều nên áp dụng điều trị triệu chứng và hỗ trợ ngay lập tức và duy trì các biện pháp này tùy theo tình trạng bệnh nhân.
Với liều cao, tác dụng giống giao cảm có thể làm chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi, khát nước, tim nhanh, đau trước tim, khó tiểu, yếu cơ và căng cơ, bồn chồn, cảm giác mệt mỏi và mất ngủ. Nhiều bệnh nhân có thể xuất hiện chứng loạn tâm thần nhiễm độc với hoang tưởng và ảo giác. Một vài trường hợp bị loạn nhịp tim, trụy tim mạch, co giật, ngất và suy hô hấp.
Điều trị :
Nên gây nôn ngay cả khi bệnh nhân nôn một cách tự phát.
Nếu bệnh nhân không nôn trong vòng 15 phút, nên lặp lại liều lượng ipeca. Phải áp dụng những biện pháp thận trọng bảo vệ hô hấp đặc biệt đối với trẻ em. Sau khi gây nôn, có thể thử dùng than hoạt tính trộn sệt với nước để hấp phụ phần thuốc còn lại trong dạ dày.
Nếu gây nôn không thành công hay bị chống chỉ định, nên rửa dạ dày.Dung dịch nước muối sinh lý là dung dịch rửa được lựa chọn, đặc biệt trong trường hợp trẻ em. Ở người lớn có thể dùng nước máy ; tuy nhiên, lượng nước đưa vào nên được tháo ra càng nhiều càng tốt trước khi đưa thêm lượng nước kế tiếp. Thuốc tẩy muối đưa nước vào ruột và do đó có thể hữu hiệu trong việc hòa tan nhanh chóng các chất có trong ruột. Không biết được là thuốc có thẩm phân được hay không. Sau khi gây nôn, bệnh nhân nên được theo dõi về mặt y khoa cẩn thận.
Bảo quản Pseudoephedrine
Bảo quản trong khoảng nhiệt độ từ 2-30 độ C. Tránh quá ẩm.