Bidihaemo 2A

Nhóm thuốc
Dung dịch thẩm phân phúc mạc
Thành phần
sodium chloride, potassium chloride, calcium chloride, magnesium chloride, acid acetic, Dextrose monohydrate
Dạng bào chế
Dung dịch thẩm phân
Dạng đóng gói
Can 10 lít dung dịch thẩm phân
Sản xuất
Công ty Dược & trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR) - VIỆT NAM
Số đăng ký
VNA-4203-05

Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần sodium chloride

Nhóm thuốc
Dung dịch điều chỉnh nước điện giải và cân bằng Acid-Base
Thành phần
sodium chloride
Tác dụng của Sodium Chloride
Khi tiêm tĩnh mạch, dung dịch natri clorid là nguồn cung cấp bổ sung nước và chất điện giải. Dung dịch natri clorid 0,9% (đẳng trương) có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể. Natri là cation chính của dịch ngoại bào và có chức năng chủ yếu trong điều hòa sự phân bố nước, cân bằng nước, điện giải và áp suất thẩm thấu của dịch cơ thể. Natri kết hợp với clorid và bicarbonat trong điều hòa cân bằng kiềm – toan, được thể hiện bằng sự thay đổi nồng độ clorid trong huyết thanh. Clorid là anion chính của dịch ngoại bào.
Dung dịch tiêm natri clorid có khả năng gây bài niệu phụ thuộc vào thể tích tiêm truyền và điều kiện lâm sàng của người bệnh. Dung dịch 0,9% natri clorid không gây tan hồng cầu.
Chỉ định khi dùng Sodium Chloride
Bổ sung natri clorid và nước trong trường hợp mất nước: Ỉa chảy, sốt cao, sau phẫu thuật, mất máu.
Phòng và điều trị thiếu hụt natri và clorid do bài niệu quá mức hoặc hạn chế quá mức, phòng co cơ (chuột rút) và mệt lả do ra mồ hôi quá nhiều vì nhiệt độ cao.
Dung dịch tiêm natri clorid nhược trương (0,45%) được dùng chủ yếu làm dung dịch bồi phụ nước và có thể được sử dụng để đánh giá chức năng thận, để điều trị đái tháo đường tăng áp lực thẩm thấu.
Dung dịch natri clorid đẳng trương (0,9%) được dùng rộng rãi để thay thế dịch ngoại bào và trong xử lý nhiễm kiềm chuyển hóa có mất dịch và giảm natri nhẹ và là dịch dùng trong thẩm tách máu, dùng khi bắt đầu và kết thúc truyền máu.
Dung dịch ưu trương (3%, 5%) dùng cho trường hợp thiếu hụt natri clorid nghiêm trọng cần phục hồi điện giải nhanh (thiếu hụt natri clorid nghiêm trọng có thể xảy ra khi có suy tim hoặc giảm chức năng thận, hoặc trong khi phẫu thuật, hoặc sau khi phẫu thuật). Còn được dùng khi giảm natri và clor huyết do dùng dịch không có natri trong nước và điện giải trị liệu và khi xử lý trường hợp dịch ngoại bào pha loãng quá mức sau khi dùng quá nhiều nước (thụt hoặc truyền dịch tưới rửa nhiều lần vào trong các xoang tĩnh mạch mở khi cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo).
Dung dịch tiêm natri clorid 20% được truyền nhỏ giọt qua thành bụng vào trong buồng ối để gây sẩy thai muộn trong 3 tháng giữa của thai kỳ (thai ngoài 16 tuần). Sau khi truyền nhỏ giọt qua thành bụng vào trong buồng ối, dung dịch này với liều được khuyên dùng, sẩy thai thường xảy ra trong vòng 72 giờ ở khoảng 97% người bệnh.
Thuốc tiêm natri clorid 0,9% cũng được dùng làm dung môi pha tiêm truyền một số thuốc tương hợp.
Cách dùng Sodium Chloride
Natri clorid có thể uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Khi có chỉ định dùng dung dịch natri clorid 3% hoặc 5%, các dung dịch này phải được tiêm vào một tĩnh mạch lớn, không được để thuốc thoát mạch. Natri clorid còn được dùng bằng đường khí dung qua miệng. Liều dùng natri clorid tùy thuộc vào tuổi, cân nặng, tình trạng mất nước, cân bằng kiềm toan và điện giải của người bệnh.
Nhu cầu natri và clorid ở người lớn thường có thể được bù đủ bằng tiêm truyền tĩnh mạch 1 lít dung dịch tiêm natri clorid 0,9% hàng ngày hoặc 1 – 2 lít dung dịch tiêm natri clorid 0,45%.
Liều thông thường ban đầu tiêm tĩnh mạch dung dịch natri clorid 3% hoặc 5% là 100ml tiêm trong 1 giờ, trước khi tiêm thêm, cần phải định lượng nồng độ điện giải trong huyết thanh bao gồm cả clorid và bicarbonat. Tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch 3 hoặc 5% natri clorid không vượt quá 100ml/giờ.
Liều uống thay thế thông thường natri clorid là 1 – 2g, ba lần mỗi ngày.
Thận trọng khi dùng Sodium Chloride
Hết sức thận trọng với người bệnh suy tim sung huyết hoặc các tình trạng giữ natri hoặc phù khác.
Người bệnh suy thận nặng, xơ gan, đang dùng các thuốc corticosteroid hoặc corticotropin.
Đặc biệt thận trọng với người bệnh cao tuổi và sau phẫu thuật.
Không được dùng các dung dịch natri clorid có chất bảo quản alcol benzylic để pha thuốc cho trẻ sơ sinh vì đã có nhiều trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh dưới 2,5kg thể trọng khi dùng các dung dịch natri clorid có chứa 0,9% alcol benzylic để pha thuốc.
Truyền nhỏ giọt dung dịch natri clorid 20% vào buồng ối chỉ được tiến hành do các thầy thuốc được đào tạo về chọc màng ối qua bụng, làm tại các bệnh viện có đủ phương tiện ngoại khoa và chăm sóc tăng cường.
Thời kỳ mang thai:
Thuốc an toàn cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú:
Thuốc không ảnh hưởng đến việc cho con bú.
Chống chỉ định với Sodium Chloride
Người bệnh trong tình trạng dùng natri và clorid sẽ có hại: Người bệnh bị tăng natri huyết, bị ứ dịch.
Dung dịch natri clorid 20%: chống chỉ định khi đau đẻ, tử cung tăng trương lực, rối loạn đông máu.
Dung dịch ưu trương (3%, 5%): Chống chỉ định khi nồng độ điện giải huyết thanh tăng, bình thường hoặc chỉ giảm nhẹ.
Tương tác thuốc của Sodium Chloride
Thừa natri làm tăng bài tiết lithi; thiếu natri có thể thúc đẩy lithi bị giữ lại và tăng nguy cơ gây độc; người bệnh dùng lithi không được ăn nhạt.
Nước muối ưu trương dùng đồng thời với oxytocin có thể gây tăng trương lực tử cung, có thể gây vỡ tử cung hoặc rách cổ tử cung. Cần theo dõi khi dùng đồng thời.
Tác dụng phụ của Sodium Chloride
Hầu hết các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm do dung dịch nhiễm khuẩn hoặc do kỹ thuật tiêm. Khi dùng các chế phẩm không tinh khiết có thể gây sốt, nhiễm khuẩn ở chỗ tiêm và thoát mạch. Tăng thể tích máu hoặc triệu chứng do quá thừa hoặc thiếu hụt một hoặc nhiều ion trong dung dịch cũng có thể xảy ra.
Dùng quá nhiều natri clorid có thể làm tăng natri huyết và lượng clorid nhiều có thể gây mất bicarbonat kèm theo tác dụng toan hóa.
Quá liều khi dùng Sodium Chloride
Triệu chứng: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, co cứng bụng, khát, giảm nước mắt và nước bọt, hạ kali huyết, tăng natri huyết, vã mồ hôi, sốt cao, tim nhanh, tăng huyết áp, suy thận, phù ngoại biên và phù phổi, ngừng thở, nhức đầu, hoa mắt, co giật, hôn mê và tử vong.
Điều trị: Trong trường hợp mới ăn natri clorid, gây nôn hoặc rửa dạ dày kèm theo điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Khi có tăng natri huyết, nồng độ natri phải được điều chỉnh từ từ với tốc độ không vượt quá 10 – 12 mmol/lít hàng ngày. Tiêm truyền tĩnh mạch các dung dịch natri clorid nhược trương và đẳng trương (nhược trương đối với người bệnh ưu trương); khi thận bị thương tổn nặng, cần thiết, có thể thẩm phân.
Bảo quản Sodium Chloride
Bảo quản các thuốc tiêm ở nhiệt độ phòng, tránh nóng và đông lạnh; chỉ dùng dung dịch không có chí nhiệt tố.

Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần calcium chloride

Nhóm thuốc
Khoáng chất và Vitamin
Thành phần
Calci clorid
Dược lực của Calcium chloride
Calci clorid là khoáng chất bổ sung calci trong các trường hợp thiếu calci.
Dược động học của Calcium chloride
Sau khi dùng, ion calci thải trừ ra nước tiểu và được lọc tại cầu thận và có một lượng nhất định được tái hấp thu. Sự tái hấp thu ở ống thận là rất lớn vì có 98% lượng ion calci đã được tái hấp thu trở lại tuần hoàn. Sự tái hấp thu này được điều chỉnh mạnh bởi hormon cận giáp (parathyroid) (PTH) và cũng bị ảnh hưởng bởi sự lọc Na+, sự có mặt các anion không tái hấp thu, các chất lợi niệu. Các chất lợi niệu có hoạt tính trên nhánh lên của quai Henle làm tăng calci niệu. Trái lại, chỉ có các thuốc lợi niệu thiazid là không có sự gắn kết giữa thải trừ Na+ và Ca++ nên làm giảm calci niệu. Hormon cận giáp thường xuyên điều chỉnh nồng độ calci trong máu bằng tác động lên ống thận. Calci niệu chỉ bị ảnh hưởng rất nhỏ bởi chế độ ăn ít calci ở người bình thường. Calci niệu chỉ bị ảnh hưởng rất nhỏ bởi chế độ ăn ít calci ở người bình thường. Calci niệu bài tiết khá nhiều vào sữa trong thời kỳ cho con bú, có một ít calci thải trừ đi qua mồ hôi và cũng thải trừ qua phân.
Tác dụng của Calcium chloride
Calci là một ion ngoài tế bào quan trọng.
Ca++ rất cần thiết cho nhiều quá trình sinh học: kích thích neuron thần kinh, giải phóng chất dẫn truyền thần kinh co cơ, bảo toàn màng và làm đông máu. Ca++ còn giúp chức năng truyền tin thứ cấp cho hoạt động của nhiều hormon.
Trên hệ tim mạch: ion calci rất cần thiết cho kích thích và co bóp cơ tim cũng như cho sự dẫn truyền xung điện trên một số vùng của cơ tim mở các kênh Ca++ điều chỉnh điện thế và gây một dòng Ca++ chậm đi vào, trong thời gian tác dụng của điện thế cao nguyên. Dòng Ca++ này cho phép thẩm thấu một lượng ion calci đủ để kích thích giải phóng thêm ion calci từ lưới cơ tương, vì vậy gây co cơ.
Trên hệ thần kinh cơ: ion calci đóng vai trò quan trọng trong kích thích và co bóp cơ. Sự kích thích co bóp cơ của ion calci xảy ra khi được giải phóng khỏi lưới cơ tương. Ion calci giải phóng kích thích co cơ bởi ion calci gắn với troponin, làm mất sự ức chế troponin trên tương tác actin - myosin. Sự giãn cơ xảy ra khi ion calci được đưa trở lại lưới cơ tương, phục hồi sự ức chế của troponin.
Calci clorid kích ứng đường tiêu hoá và gây hoại tử mô, do vậy không bao giờ được tiêm vào các mô hoặc bắp thịt.
Chỉ định khi dùng Calcium chloride
Các trường hợp cần tăng nhanh nồng độ ion calci trong máu như: co giật do hạ calci huyết ở trẻ sơ sinh, co thắt thanh quản do hạ calci huyết do tái khoáng hoá, sau phẫu thuật cường cận giáp, hạ calci huyết do thiếu vitamin D, nhiễm kiềm. Sau truyền máu khối lượng lớn chứa calci citrat gây giảm Ca++ máu.
Trường hợp tăng magnesi huyết, calci clorid cũng được sử dụng nhằm mục đích điều trị các tác động gây ức chế hệ thần kinh trung ương khi dùng quá liều magnesi sulfat.
Quá liều do thuốc chẹn calci, ngộ độc do ethylen glycol.
Cách dùng Calcium chloride
Chống hạ calci huyết hoặc bổ sung chất điện giải:
- Trẻ em: 25 mg (6,8 mg ion calci) cho 1 kg thể trọng, tiêm chậm.
- Người lớn: 500 mg tới 1g. Tiêm tĩnh mạch chậm với tốc độ không vượt quá 0,5 ml tới 1 ml/phút.
Bỏng acid hydrofluoric: tiêm truyền nhỏ giọt động mạch: 10 ml dung dịch 100mg/ml calci clorid pha với 40 ml nước muối sinh lý trong 4 giờ.
Đảo ngược tác dụng chẹn thần kinh cơ do polymycin và các chất gây mê: 1 g calci clorid.
Chống tăng Kali huyết: phải điều chỉnh liều qua theo dõi thường xuyên bằng điện tâm đồ.
Chống tăng magnesi huyết: tiêm tĩnh mạch, bắt đầu 500 mg nhắc lại nếu tình trạng lâm sàng thấy cần thiết.
Thận trọng khi dùng Calcium chloride
Tránh tiêm tĩnh mạch quá nhanh (dưới 1 ml/phút) và tránh thoát mạch. Dùng thận trọng với người suy hô hấp hoặc toan máu, tăng calci máu có thể xảy ra khi giảm chức năng thận, cần thiết thường xuyên kiểm tra calci máu. Tránh nhiễm toan chuyển hoá (chỉ dùng calci clorid 2 - 3 ngày, sau đó chuyển sang dùng các muối calci khác).
Chống chỉ định với Calcium chloride
Rung thất trong hồi sức tim mạch, tăng calci máu, như ở người bị tăng năng cận giáp, quá liều do vitamin D, sỏi thận và suy thận nặng, người bệnh đang dùng digitalis, epinephrin, u ác tính tiêu xương, calci niệu nặng, loãng xương do bất động.
Tương tác thuốc của Calcium chloride
Những thuốc sau đây ức chế thải trừ calci qua thận: Các thiazid, clopamid, ciprofloxacin, clorthalidon, thuốc chống co giật.
Calci làm tăng độc tính của digoxin đối với tim.
Nồng độ calci trong máu tăng làm tăng tác dụng ức chế enzym Na+ - K+ - ATPase của glycosid trợ tim.
Tác dụng phụ của Calcium chloride
Thường gặp: hạ huyết áp (chóng mặt), giãn mạch ngoại vi, táo bón đầy hơi, buồn nôn, nôn, đỏ da, ngoại ban, đau hoặc rát bỏng nơi tiêm, đau nhói dây thần kinh. Bốc nóng và có cảm giác nóng.
Ít gặp: vã mồ hôi, loạn nhịp, rối loạn chức năng tim cấp.
Hiếm gặp: huyết khối.
Quá liều khi dùng Calcium chloride
Khi nồng độ calci trong huyết thanh vượt quá 2,6 mmol/lít được coi là tăng calci huyết. Không chỉ định thêm calci hoặc bất cứ thuốc gì gây tăng calci huyết để giải quyết tình trạng tăng calci huyết nhẹ ở người bệnh không có triệu chứng và chức năng thận bình thường. Khi nồng độ calci trong huyết thanh vượt quá 2,9 mmol/lít phải ngay lập tức dùng các biện pháp sau:
Bù nước bằng tiêm tĩnh mạch dung dịch natri clorid 0,9%. Làm lợi niệu bằng furosemid hoặc acid ethacrynic, nhằm làm hạ nhanh calci và tăng thải trừ natri khi dùng quá nhiều dung dịch natri clorid 0,9%.
Theo dõi nồng độ kali và magnesi trogn máu để sớm bồi phụ, đề phòng loạn nhịp tim nặng.
Có thể thẩm tách máu, dùng cacitonin và adrenocorticoid trong điều trị.
Xác định nồng độ calci trong máu một cách đều đặn để có hướng dẫn điều chỉnh cho điều trị.
Bảo quản Calcium chloride
Bảo quản thuốc trong bao bì kín ở nhiệt độ 20 - 35 độ C.

Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần magnesium

Nhóm thuốc
Khoáng chất và Vitamin
Thành phần
Magnesium sulfate
Dược lực của Magnesium
Về phương diện sinh lý, magnesium là một cation có nhiều trong nội bào. Magnesium làm giảm tính kích thích của neurone và sự dẫn truyền neurone-cơ. Magnesium tham gia vào nhiều phản ứng men.
Dược động học của Magnesium
- Hấp thu: không hấp thu qua đường tiêu hoá.
- Chuyển hoá: thuốc không chuyển hoá trong cơ thể.
- Thải trừ: thuốc thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.
Tác dụng của Magnesium
Khi uống Magnesium sulfate có tác dụng gây nhuận tràng do 2 nguyên nhân: do không hấp thu khi uống nên hút nước vào trong lòng ruột để cân bằng thẩm thấu, kích thích giải phóng cholescystokinin - pancreozymin nên gây tích tụ các chất điện giải và chất lỏng vào trong ruột non, làm tăng thể tích và tăng kích thích sự vận động của ruột.
Khi tiêm có tác dụng chống co giật trong nhiễm độc máu ở phụ nữ có thai, điều trị đẻ non, giảm magnesium máu.
Chỉ định khi dùng Magnesium
Ðiều trị các triệu chứng gây ra do tình trạng giảm Mg máu, bổ sung Mg trong phục hồi cân bằng nước điện giải, điều trị sản giật.
Cách dùng Magnesium
Tiêm truyền tĩnh mạch sau khi pha loãng.
Chống chỉ định với Magnesium
Suy thận nặng với độ thanh thải của creatinine dưới 30 ml/phút.
Tương tác thuốc của Magnesium
Quinidin, các thuốc nhóm cura.
Tránh dùng magnesium kết hợp với các chế phẩm có chứa phosphate và muối calcium là các chất ức chế quá trình hấp thu magnesium tại ruột non.
Trong trường hợp phải điều trị kết hợp với tetracycline đường uống, thì phải uống hai loại thuốc cách khoảng nhau ít nhất 3 giờ.
Tác dụng phụ của Magnesium
Ðau tại chỗ tiêm, giãn mạch máu với cảm giác nóng. Tăng Mg máu.
Quá liều khi dùng Magnesium
Quá liều gây ỉa chảy.
Bảo quản Magnesium
Ở nhiệt độ > 25oC, tránh ánh sáng.

Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Dextrose monohydrate

Nhóm thuốc
Dung dịch điều chỉnh nước điện giải và cân bằng Acid-Base
Thành phần
Dextrose monohydrate
Dược lực của Dextrose monohydrate
Dextrose là tên của một loại đường đơn được làm từ ngô và giống hệt về mặt hóa học với glucose , hoặc đường trong máu.
Dextrose là đường đơn 6 carbon, dùng theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để điều trị thiếu hụt đường và dịch. Dextrose thường được ưa dùng để cung cấp năng lượng theo đường tiêm cho người bệnh và dùng cùng với các dung dịch điện giải để phòng và điều trị mất nước do tiêu chảy cấp. Dextrose còn được sử dụng để điều trị chứng hạ đường huyết.
Dược động học của Dextrose monohydrate
– Dextrose được hấp thu nhanh chóng theo đường tiêm tĩnh mạch.
– Sau khi vào cơ thể, dextrose chuyển hóa thành carbon dioxide và nước, đồng thời giải phóng ra năng lượng.
Chỉ định khi dùng Dextrose monohydrate
– Cung cấp nước và năng lượng cho cơ thể. – Giải độc trong trường hợp nhiễm khuẩn cấp và mạn, thuốc ngủ, ngộ độc do cyanide,sốc, viêm gan hoặc xơ gan. – Chất dẫn để truyền thuốc vào cơ thể trước, trong và sau phẫu thuật. – Phòng ngừa và điều trị chứng nhiễm ceton huyết trong các trường hợp suy dinh dưỡng. – Dùng cho chứng giảm dextrose huyết
Cách dùng Dextrose monohydrate
– Truyền dung dịch DEXTROSE qua tĩnh mạch trung tâm. Trong trường hợp cấp cứu hạ đường huyết có khi phải truyền vào tĩnh mạch ngoại vi nhưng cần phải truyền chậm.– Liều dùng thay đổi tùy theo nhu cầu của từng người bệnh. Phải theo dõi chặt chẽ đường huyết của người bệnh.– Theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.– Liều dextrose tối đa khuyên dùng là 500 – 800mg cho 1kg thể trọng trong 1 giờ
Thận trọng khi dùng Dextrose monohydrate
– Phải theo dõi đều đặn đường huyết, cân bằng nước và các chất điện giải. Cần bổ sung các chất điện giải nếu cần.
– Không truyền dung dịch dextrose cùng với máu qua một bộ dây truyền vì có thể gây tan huyết hoặc tắc nghẽn.
– Truyền kéo dài hoặc nhanh một lượng lớn dung dịch DEXTROSE có thể gây mất nước tế bào do tăng đường huyết.
TÁC ĐỘNG CỦA THUỐC ĐỐI VỚI NGƯỜI LÁI XE HOẶC VẬN HÀNH MÁY:
Chưa thấy dung dịch tiêm truyền DEXTROSE 10% ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy sau khi tiêm truyền.
THỜI KỲ MANG THAI – CHO CON BÚ:
– Phụ nữ có thai chỉ dùng DEXTROSE khi thật cần thiết.
– DEXTROSE an toàn đối với phụ nữ cho con bú.
Chống chỉ định với Dextrose monohydrate
– Người bệnh không dung nạp được dextrose.
– Người bệnh vô niệu, người bệnh bị chảy máu trong sọ hoặc trong tuỷ sống, người bệnh sau cơn tai biến mạch máu não.
– Tình trạng mất nước nhược trương nếu chưa bù đủ chất điện giải.
– Tình trạng ứ nước.
– Kali huyết hạ, hôn mê tăng thẩm thấu, nhiễm toan.
– Mê sảng rượu kèm mất nước, ngộ độc rượu cấp.
Tác dụng phụ của Dextrose monohydrate
– Thường gặp: đau tại chỗ tiêm, kích ứng tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch.
– Ít gặp: rối loạn nước và điện giải (hạ kali huyết, hạ magnesi huyết, hạ phospho huyết).
– Hiếm gặp: mất nước do hậu quả của đường huyết cao (khi truyền kéo dài hoặc quá nhanh).
– Thông báo cho bác sỹ những tác dụng phụ không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.