Candid TV

Thành phần
Clotrimazole, Selenium Sufide
Dạng bào chế
Hỗn dịch
Dạng đóng gói
Chai 60ml
Sản xuất
Glenmark Pharm., Ltd - ẤN ĐỘ
Đăng ký
Glenmark Pharm., Ltd - ẤN ĐỘ
Số đăng ký
VN-4934-07

    Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Clotrimazole

    Nhóm thuốc
    Thuốc điều trị bệnh da liễu
    Thành phần
    Clotrimazole
    Dược lực của Clotrimazole
    Clotrimazole là một dẫn chất tổng hợp của imidazole và có cấu trúc hóa học gần giống với miconazole.
    Dược động học của Clotrimazole
    Thuốc được phân bố ở da dưới dạng không chuyển hóa nồng độ giảm dần từ ngoài vào trong. Nồng độ tối đa ở tại lớp sừng hóa và thuốc hiện diện kéo dài tại các nang lông.
    Sau khi bôi tại chỗ da lành hay da bị tổn thương, 0,1-0,5% thuốc được hấp thu nhưng không tìm thấy trong huyết thanh (nghĩa là nồng độ thuốc dưới 1ng/ml).
    Nghiên cứu dùng thuốc bằng đường uống (là đường ít dùng trong thực tế điều trị) và đường bôi âm đạo cho thấy thuốc được chuyển hóa nhanh tại gan trước khi có ảnh hưởng toàn thân. 50% lượng clotrimazole và chuyển hóa chất của thuốc trong huyết thanh gắn với albumine huyết tương. Hàm lượng cả hai đạt đỉnh cao nhất trong vòng 2-6 giờ sau một liều uống. Nồng độ này giảm dần trong khi tiếp tục dùng thuốc. Clotrimazole ở liều uống thấp 7mg/kg/ngày kích thích khả năng oxy hóa của gan làm gia tăng sự chuyển hóa của chính nó. Thuốc được bài tiết chủ yếu qua đường mật và đường tiểu với chỉ 1% ở dạng hoạt động. Chưa rõ có bài tiết qua sữa mẹ hay có chuyển vận qua nhau thai hay không. Sau một liều uống, 10% được thải qua nước tiểu sau 24 giờ, 25% trong 6 ngày.
    Tác dụng của Clotrimazole
    Thuốc có tính kháng nấm phổ rộng được bào chế dưới dạng bôi ngoài da, có khả năng ức chế sự phát triển của hầu hết các loại vi nấm gây bệnh ở người loại dermatophytes, nấm men và Malassezia furfur. Clotrimazole cho hoạt tính kìm vi nấm và diệt vi nấm in vitro chống lại các chủng phân lập của Trichophyton rubrum, T. mentagrophytes, Epidermophyton floccosum, Mycrosporum canis và Candida species, kể cả Candida albicans. Không có tình trạng đề kháng bước đơn hay đa với clotrimazole phát triển khi đang điều trị C. albicans và T. mentagrophytes. Calcrem cũng có tác dụng chống lại một số vi khuẩn Gram dương đặc biệt là Staphylococcus và chống lại Trichomonas.
    Giống như các imidazole khác, thuốc tác động lên tính thẩm thấu của vách tế bào vi nấm bằng cách can thiệp lên các lipide của màng. Ở liều điều trị, thuốc ức chế sự tổng hợp ergostérol của vách tế bào, nhưng ở nồng độ cao hơn, thuốc còn có thêm một cơ chế khác nữa gây hủy hoại màng mà không có liên quan gì đến sự tổng hợp stérol, đến nay chưa rõ cơ chế đó. Có tác giả nêu clotrimazole có tác dụng ức chế tổng hợp acide nhân, làm rối loạn chuyển hóa lipide, polysaccharide gây tổn thương màng tế bào và làm tăng tính thấm các màng phospholipide của lysosome của tế bào vi nấm.
    Clotrimazole không gây quái thai cho chuột cống, chuột nhắt hay thỏ. Liều cao đường uống có dấu hiệu độc cho thai ở chuột cống. Không có báo cáo nào về khả năng gây ung thư của thuốc.
    Chỉ định khi dùng Clotrimazole
    Ðiều trị tại chỗ tinea pedis (nấm da chân, nấm kẽ), tinea cruris (nấm bẹn), tinea corporis (nấm da thân, lác đồng tiền) do T. rubrum, T. mentagrophytes, E. floccosum và M. canis; bệnh Candida do C. albicans và tinea versicolor (lang ben) do M. furfur. Thuốc cũng có tác dụng trong một số trường hợp nhiễm trùng da không do vi nấm như erythrasma do Corynebacterium minutissimum.
    Cách dùng Clotrimazole
    Sau khi rửa sạch vùng da bệnh, bôi một lớp mỏng thuốc, chà xát nhẹ nhàng tại vùng da bệnh và rộng ra vùng xung quanh. Hai lần mỗi ngày, sáng và tối, liên tục cho đến một tháng hoặc tối thiểu hai tuần sau khi sạch các triệu chứng để ngừa tái phát. Tránh làm trầy xướt da trước khi bôi thuốc. Cần giữ vùng da bệnh sạch và khô, kết hợp với vệ sinh cá nhân và môi trường.
    Triệu chứng lâm sàng thường được cải thiện, giảm ngứa trong vòng tuần đầu tiên.
    Dù triệu chứng có thể chỉ mới bớt cũng tránh ngưng giữa chừng mà nên tiếp tục dùng thuốc cho đến hết liệu trình.
    Nếu không thấy cải thiện triệu chứng sau 4 tuần cần xem lại chẩn đoán hay đổi thuốc khác. Ngưng sử dụng nếu bệnh trở nên tệ hơn, hay nếu có kích ứng.
    Với tổn thương có nhiều vảy, chất tiết, mủ, dịch bẩn nên làm sạch trước khi bôi thuốc và tránh băng hay đắp kín.
    Thận trọng khi dùng Clotrimazole
    Chỉ dùng bôi ngoài da. Tránh để thuốc chạm mắt. Nếu có kích ứng hay nhạy cảm, ngưng điều trị và thay bằng liệu pháp khác.
    Phụ nữ có thai: Trong nghiên cứu lâm sàng, dùng clotrimazole dạng dùng để bôi âm đạo cho phụ nữ có thai ở ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ không thấy có tác dụng phụ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu đầy đủ và hoàn chỉnh trên phụ nữ có thai ba tháng đầu do đó chỉ dùng nếu có chỉ định rõ ràng và tránh bôi diện rộng.
    Phụ nữ cho con bú: Người ta không rõ thuốc này có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Cần thận trọng khi dùng đối với mẹ đang cho con bú.
    Chống chỉ định với Clotrimazole
    Tăng cảm đối với clotrimazole hay imidazole bôi tại chỗ.
    Tương tác thuốc của Clotrimazole
    Tác dụng đối kháng giữa các imidazole (kể cả clotrimazole) và các kháng sinh polyène in vitro đã được báo cáo. Có lẽ do imidazole ức chế sự tổng hợp ergosterol trong khi các kháng sinh polyène lại có tác dụng chống nấm bằng cách gắn với các stérol của màng tế bào. Sự tác động của clotrimazole lên các enzyme ti thể gan không là vấn đề đối với dạng thuốc bôi.
    Tác dụng phụ của Clotrimazole
    Thỉnh thoảng xảy ra nổi mẩn đỏ; cảm giác châm chích; nổi mụn nước; tróc da; phù; ngứa; mề đay; cảm giác rát phỏng; kích ứng da tổng quát, nhất là khi da có tổn thương hở. Nếu các triệu chứng trên nhẹ, không rõ ràng thì không cần phải ngưng thuốc.
    Bảo quản Clotrimazole
    Các loại kem bảo quản dưới 25 độ C.

    Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Selenium

    Nhóm thuốc
    Khoáng chất và Vitamin
    Thành phần
    Selenium
    Tác dụng của Selenium
    Selenium là một trong những khoáng chất mà cơ thể chúng ta không tự sinh sản ra được mà cần phải nhờ đến sự bổ sung vào cơ thể thông qua thức ăn hoặc chế phẩm bổ sung Selenium.
    Trong thực phẩm, selenium tồn tại chủ yếu dưới 2 dạng: selenomethionine trong thực vật và selenocysteine động vật. Khoảng 90% lượng selenium từ bữa ăn sẽ được hấp thụ.
    Tác dụng của selenium
    Chống oxy hóa:
    Vai trò quan trọng nhất của selenium là chống oxy hóa. Đặc biệt selenium dưới dạng selenocysteine liên kết chặt chẽ với enzyme glutathione peroxidase ở bốn vị trí hoạt động. Enzyme này đảm nhiệm vai trò chính yếu trong việc bảo vệ cơ thể chống các gốc tự do và tổn thương oxy hóa.
    Những hợp chất chống oxy hóa khác cũng bắt buộc có selenium là selenoprotein P và selenoprotein W. Cả ba chất chống oxy hóa cũng như những chất chống oxy hóa khác có tác dụng kìm hãm những phản ứng gây sưng viêm (inflammation) vốn là nguyên nhân hàng đầu vì sao chúng ta bị các bệnh tim mạch. Chúng cũng giúp cơ thể phục hồi nhanh khi cơ thể bị tổn thương bao gồm các phản ứng trao đổi chất tự nhiên trong cơ thể vốn luôn tạo ra phân tử bức xạ.
    Selenium cũng là một chất đối kháng của các kim loại nặng như chì, thủy ngân, nhôm và cadmium.
    Selenium giúp phục hồi lại vitamin C sau khi vitamin C bị oxy hóa (vì vitamin C là chất chống oxy hóa nên khi vào cơ thể sẽ có lúc bị oxy hóa). Cơ thể động vật không có khả năng tự tái tạo vitamin C như thực vật nên vitamin C chỉ có thể được nạp vào từ thực phẩm hoặc thuốc bổ. Vai trò của selenium giúp tái thiết lại vitamin C từ những mảnh giáp nhỏ sau những phản ứng oxy hóa giúp quá trình trao đổi chất có hiệu quả “kinh tế” hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu bạn dùng vitamin C và selenium cùng lúc thì hiệu quả sẽ cao hơn (với người đang bệnh).
    Chỉ định khi dùng Selenium
    Chế phẩm bổ sung selenium được sử dụng chủ yếu trong hỗ trợ chống oxy hóa.
    Cách dùng Selenium
    Nên dùng khoảng 50 – 200mcg selenium mỗi ngày cho người trưởng thành. Liều cao (>1000mcg/ngày) có thể gây ngộ độc. Trẻ em nên dùng 3,3mcg/kg cân nặng.
    Tương tác thuốc của Selenium
    Một số dưỡng chất chống oxy hóa khác có tác dụng hiệp đồng với selenium trong việc làm tăng hoạt động glutathione peroxidase. Việc hấp thu selenium bị cản trở bởi các kim loại nặng (chì, thủy ngân, cadmium,…), vitamin c liều cao (ảnh hưởng nhiều lên muối selenite natri hơn là lên các dạng selenium hữu cơ). Hấp thu selenium còn giảm khi nhập vào liều cao các muối khoáng khác, nhất là kẽm. Nhiều loại thuốc, đặc biệt là các thuốc hóa trị ung thư, làm tăng nhu cầu selenium.
    Tác dụng phụ của Selenium
    Tiêu chảy;
    Móng tay yếu;
    Hơi thở và mồ hôi có mùi tỏi;
    Rụng tóc;
    Khó chịu;
    Ngứa da;
    Buồn nôn và ói mửa;
    Mệt mỏi bất thường và yếu.
    Quá liều khi dùng Selenium
    Cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ selenium. Liều khoảng 900mcg/ngày kéo dài có thể gây ngộ độc selenium, bao gồm các dấu hiệu như: trầm cảm, lo lắng bồn chồn, tính khí và cảm xúc không ổn định, buồn nôn, nôn, hơi thở và mồ hôi có mùi tỏi, và một số trường hợp rụng lông tóc và hư móng. Ngộ độc selenium cấp tính do nguồn gốc thực phẩm hiếm khi xảy ra.