Vix Health

Nhóm thuốc
Khoáng chất và Vitamin
Thành phần
Beta-caroten; Dl-alpha-tocopherol acetate; acid ascorbic; Zinc oxide, Cupric oxide; Selenium, Manganese sulfate
Dạng bào chế
Viên nang mềm
Dạng đóng gói
Hộp 12vỉ x 5viên
Sản xuất
R&P Korea Co.,Ltd. - HÀN QUỐC
Đăng ký
Daewoong Bio Inc.
Số đăng ký
VN-10213-10

    Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Zinc oxide

    Nhóm thuốc
    Thuốc điều trị bệnh da liễu
    Thành phần
    Kẽm oxyd
    Dược lực của Zinc oxide
    Kẽm oxyd là thuốc bảo vệ da.
    Tác dụng của Zinc oxide
    Kẽm oxyd có tính chất làm săn da và sát khuẩn nhẹ và được dùng bôi tại chỗ để bảo vệ, làm dịu tổn thương chàm (eczema) và các chỗ trợt da nhẹ. Kẽm oxyd phản xạ tia cực tím nên còn được dùng với hắc ín than đá hoặc ichthammol để điều trị chàm. Kẽm oxyd phản xạ tia cực tím nên còn được dùng trong các thuốc bôi chống nắng.
    Trong phần lớn các chế phẩm chứa kẽm oxyd còncó những chất khác như titan oxyd, bismuth oxyd, glycerol, bôm (nhựa thơm) Peru, ichthammol..., đặc biệt các chất mỡ có tính chất bít kín nên có thể dễ gây bội nhiễm. Một vài chất này có thể gây dị ứng.
    Kẽm oxyd cũng còn là chất cơ sở để làm một số loại xi măng nha khoa. Khi trộn với acid phosphoric, kẽm oxyd tạo thành một vật liệu cứng mà thành phần chủ yếu là kẽm phosphat, vật liệu này trộn với dầu đinh hương hoặc eugenol dùng để hàn răng tạm thời.
    Chỉ định khi dùng Zinc oxide
    Dưới những dạng thuốc mỡ và hồ bôi dược dụng, kẽm oxyd được dùng rộng rãi trong điều trị da khô, các bệnh da và nhiễm khuẩn da như:
    Vùng da bị kích ứng do lỗ dò tiêu hoá, hậu môn nhân tạo, mở thông bàng quang.
    Điều trị hỗ trợ chàm (eczema).
    Vết bỏng nông, không rộng.
    cháy nắng, hồng ban do bị chiếu nắng, bảo vệ da do nắng.
    Trứng cá, côn trùng châm đốt, ban do tã lót, vảy da đầu, tăng tiết nhờn, chốc, nấm da, vẩy nến, loét giãn tĩnh mạch, ngứa.
    Cách dùng Zinc oxide
    Tổn thương trên da: sau khi khử khuẩn, bôi đều một lớp thuốc mỏng lên vùng da bị tổn thương, 1 - 2 lần một ngày. Có thể dùng một miếng gạc vô khuẩn che lên.
    Chàm, nhất là chàm bị lichen hoá: bôi một lớp dày chế phẩm (hồ nước) có chứa ichthammol, kẽm oxyd, glycerol lên vùng tổn thương, 2 - 3 lần một ngày.
    Đau ngứa hậu môn, nhất là trong những đợt trĩ: bôi thuốc mỡ hoặc đặt đạn trực tràng có kẽm oxyd, bismuth oxyd, resorcin, sulphon, caraghenat vào hậu môn, ngày 2 - 3 lần, sau mỗi lần đi ngoài. Không nên dùng dài ngày. nếu sau 7 - 10 ngày dùng không thấy đỡ thì phải thăm khám hậu môn trực tràng để tìm nguyên nhân gây chảy máu và cuối cùng phát hiện bệnh ác tính.
    Tổn thương do suy tĩnh mạch mạn tính, băng sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch: bôi phủ vết thương bằng chế phẩm có 20% kẽm oxyd trong vaselin.
    Thận trọng khi dùng Zinc oxide
    Trước khi bôi thuốc và trong quá trình điều trị phải đảm bảo vô khuẩn vùng được bôi thuốc vì có thể bội nhiễm các vùng bị thuốc che phủ.
    Một số chế phẩm không thích hợp với các tổn thương có tiết dịch.
    Chống chỉ định với Zinc oxide
    Quá mẫn với một hoặc nhiều thành phần của chế phẩm, đặc biệt với pyrazol.
    Tổn thương da bị nhiễm khuẩn.
    Tác dụng phụ của Zinc oxide
    Hiếm gặp: các tá dược, bôm (nhựa thơm) Peru, lanolin có thể gây chàm tiếp xúc.
    Dị ứng với một trong các thành phần của chế phẩm.
    Bảo quản Zinc oxide
    Bảo quản thuốc trong bao bì kín, tránh ẩm. Bảo quản thuốc mỡ ở nhiệt độ dưới 25 độ C.

    Hướng dẫn dùng thuốc có thành phần Selenium

    Nhóm thuốc
    Khoáng chất và Vitamin
    Thành phần
    Selenium
    Tác dụng của Selenium
    Selenium là một trong những khoáng chất mà cơ thể chúng ta không tự sinh sản ra được mà cần phải nhờ đến sự bổ sung vào cơ thể thông qua thức ăn hoặc chế phẩm bổ sung Selenium.
    Trong thực phẩm, selenium tồn tại chủ yếu dưới 2 dạng: selenomethionine trong thực vật và selenocysteine động vật. Khoảng 90% lượng selenium từ bữa ăn sẽ được hấp thụ.
    Tác dụng của selenium
    Chống oxy hóa:
    Vai trò quan trọng nhất của selenium là chống oxy hóa. Đặc biệt selenium dưới dạng selenocysteine liên kết chặt chẽ với enzyme glutathione peroxidase ở bốn vị trí hoạt động. Enzyme này đảm nhiệm vai trò chính yếu trong việc bảo vệ cơ thể chống các gốc tự do và tổn thương oxy hóa.
    Những hợp chất chống oxy hóa khác cũng bắt buộc có selenium là selenoprotein P và selenoprotein W. Cả ba chất chống oxy hóa cũng như những chất chống oxy hóa khác có tác dụng kìm hãm những phản ứng gây sưng viêm (inflammation) vốn là nguyên nhân hàng đầu vì sao chúng ta bị các bệnh tim mạch. Chúng cũng giúp cơ thể phục hồi nhanh khi cơ thể bị tổn thương bao gồm các phản ứng trao đổi chất tự nhiên trong cơ thể vốn luôn tạo ra phân tử bức xạ.
    Selenium cũng là một chất đối kháng của các kim loại nặng như chì, thủy ngân, nhôm và cadmium.
    Selenium giúp phục hồi lại vitamin C sau khi vitamin C bị oxy hóa (vì vitamin C là chất chống oxy hóa nên khi vào cơ thể sẽ có lúc bị oxy hóa). Cơ thể động vật không có khả năng tự tái tạo vitamin C như thực vật nên vitamin C chỉ có thể được nạp vào từ thực phẩm hoặc thuốc bổ. Vai trò của selenium giúp tái thiết lại vitamin C từ những mảnh giáp nhỏ sau những phản ứng oxy hóa giúp quá trình trao đổi chất có hiệu quả “kinh tế” hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu bạn dùng vitamin C và selenium cùng lúc thì hiệu quả sẽ cao hơn (với người đang bệnh).
    Chỉ định khi dùng Selenium
    Chế phẩm bổ sung selenium được sử dụng chủ yếu trong hỗ trợ chống oxy hóa.
    Cách dùng Selenium
    Nên dùng khoảng 50 – 200mcg selenium mỗi ngày cho người trưởng thành. Liều cao (>1000mcg/ngày) có thể gây ngộ độc. Trẻ em nên dùng 3,3mcg/kg cân nặng.
    Tương tác thuốc của Selenium
    Một số dưỡng chất chống oxy hóa khác có tác dụng hiệp đồng với selenium trong việc làm tăng hoạt động glutathione peroxidase. Việc hấp thu selenium bị cản trở bởi các kim loại nặng (chì, thủy ngân, cadmium,…), vitamin c liều cao (ảnh hưởng nhiều lên muối selenite natri hơn là lên các dạng selenium hữu cơ). Hấp thu selenium còn giảm khi nhập vào liều cao các muối khoáng khác, nhất là kẽm. Nhiều loại thuốc, đặc biệt là các thuốc hóa trị ung thư, làm tăng nhu cầu selenium.
    Tác dụng phụ của Selenium
    Tiêu chảy;
    Móng tay yếu;
    Hơi thở và mồ hôi có mùi tỏi;
    Rụng tóc;
    Khó chịu;
    Ngứa da;
    Buồn nôn và ói mửa;
    Mệt mỏi bất thường và yếu.
    Quá liều khi dùng Selenium
    Cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ selenium. Liều khoảng 900mcg/ngày kéo dài có thể gây ngộ độc selenium, bao gồm các dấu hiệu như: trầm cảm, lo lắng bồn chồn, tính khí và cảm xúc không ổn định, buồn nôn, nôn, hơi thở và mồ hôi có mùi tỏi, và một số trường hợp rụng lông tóc và hư móng. Ngộ độc selenium cấp tính do nguồn gốc thực phẩm hiếm khi xảy ra.